Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng Phú Yên sẽ thành lập Công viên địa chất Phú Yên, hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO để xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế.

Mục tiêu hướng đến việc khai thác và phát huy đồng bộ, toàn diện giá trị các di sản địa chất, di sản văn hóa xã hội lịch sử, đa dạng sinh học một cách bền vững, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tỉnh sở hữu chiều dài bờ biển thuộc top đầu: Rót 2.200 tỷ đồng xây đường ven biển đẹp nhất nước
Tỉnh Phú Yên

Như vậy, sau 3 địa phương gồm Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang (năm 2010); Công viên đa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng (năm 2018) và Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông (năm 2020) thì Phú Yên có thể sẽ là địa phương thứ tư của Việt Nam có Công viên địa chất toàn cầu.

Tháng 12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1570/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch gồm 808,89ha (không bao gồm diện tích khoanh vùng bảo vệ của danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa), thuộc phân khu 9, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa và không gian cảnh quan thiên nhiên, môi trường - sinh thái xung quanh.

Các giá trị di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, cảnh quan môi trường và tài liệu, hiện vật liên quan; công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa và các yếu tố đô thị, kinh tế - xã hội, dân cư...

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị và bảo tồn các giá trị đặc sắc về địa chất của danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa; bảo vệ tài nguyên mặt nước, đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo và di sản văn hóa của cộng đồng trong khu vực; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh Phú Yên, vùng Nam Trung Bộ và cả nước; kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh khác tại địa phương, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch, kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị độc đáo của danh thắng và di sản văn hóa truyền thống của khu vực...

Việc lập quy hoạch nhằm làm cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực đầu tư; quản lý và bảo vệ danh lam thắng cảnh và các di sản trong khu vực; lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh...

Phú Yên là tỉnh ven biển ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ; diện tích hơn 5.000km2, dân số gần 1 triệu người (năm 2020). Tỉnh có chiều dài bờ biển gần 189km, với nhiều thắng cảnh đẹp như Gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài. Đây là một trong những địa phương có đường bờ biển dài nhất Việt Nam, sau Khánh Hoà, Cà Mau, Quảng Ninh, Kiên Giang và Bình Thuận.

Phú Yên có nhiều lợi thế để thu hút các nhà đầu tư, khai thác tiềm năng từ kinh tế biển. Hiện, tỉnh đang xây dựng tuyến đường ven biển dài khoảng 14,7km, điểm đầu từ đường dẫn phía Bắc cầu An Hải thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An; điểm cuối tại Trung tâm An điều dưỡng Tàu ngầm Hải quân, xã An Phú, TP. Tuy Hòa. Dự án này có tổng vốn đầu tư 2.228 tỷ đồng, với tuyến đường ven biển sắp xây dựng hoàn thiện này, kinh tế biển, kinh tế du lịch của Phú Yên hứa hẹn sẽ tăng tốc và bứt phá.

Tỉnh sở hữu chiều dài bờ biển thuộc top đầu: Rót 2.200 tỷ đồng xây đường ven biển đẹp nhất nước
Một đoạn đường ven biển ở TP. Tuy Hoà, đi qua công trình tháp Nghinh Phong

Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 cũng đặt ra yêu cầu tỉnh Phú Yên phải đảm bảo giữ gìn bản sắc của vùng đất và con người Phú Yên; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững; ưu tiên tu bổ, tôn tạo các di tích đã xếp hạng bị xuống cấp, các di tích có giá trị phát triển du lịch.

Đồng thời, Phú Yên cần tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; phát triển sâu rộng và bền vững hoạt động thể dục thể thao, phát triển thể thao thành tích cao, tập trung vào các môn thế mạnh của thể thao tỉnh; khuyến khích xã hội hóa phát triển thể dục, thể thao.