Theo quy hoạch chung TP Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố tập trung triển khai thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, xây dựng văn minh đô thị, xây dựng đời sống văn hóa phong phú, hiện đại trên cơ sở phát huy các giá trị, bản sắc truyền thống. Tăng cường công tác xử lý, khắc phục các điểm ô nhiễm môi trường, các khu vực úng lụt; xây dựng cảnh quan xanh, phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Tăng cường đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng thành phố an toàn, đáng sống.

Ngoài ra, TP triển khai quyết liệt 4 khâu đột phá chiến lược:

-Phát triển không gian đô thị hai bên sông Trà Lý, xây dựng các tuyến đường trục chính đô thị, công viên cây xanh, khu đô thị mới tại khu vực phía Đông Bắc Thành phố;

-Thu hút các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố, tạo nên giá trị mới và phát triển bứt phá;

-Thu hút các dự án đầu tư xây dựng tổ hợp thương mại, dịch vụ tài chính - ngân hàng, khu vui chơi giải trí chất lượng cao, hệ thống siêu thị, khách sạn;

-Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào mọi lĩnh vực của cuộc sống; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đáng chú ý, TP Thái Bình quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, đến năm 2045 trở thành thành phố phát triển thông minh, hiện đại, thân thiện, kinh tế thịnh vượng, xã hội tiến bộ, môi trường bền vững, chất lượng cuộc sống người dân ở mức độ cao, là một trong những đô thị phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Chi tiết

TP Thái Bình

Khi mới giải phóng (năm 1954), thị xã Thái Bình chỉ có 3 tiểu khu Lê Hồng Phong, Đề Thám, Quang Trung với vài đường phố nhỏ và 10 năm sau mới sáp nhập thêm các thôn Kỳ Bá, An Tập, Đồng Lôi, Bồ Xuyên, diện tích chưa đến 100ha với số dân chưa đến 7.000 người. Năm 2003, thị xã Thái Bình được công nhận là đô thị loại III, năm 2004 được Chính phủ công nhận là thành phố, đến năm 2014 được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.

Sau 20 năm thành lập, diện tích TP. Thái Bình đã lên tới gần 7.000ha, dân số trên 218.000 người, với 19 đơn vị hành chính, bao gồm 10 phường và 9 xã.

Hiện nay, kinh tế TP. Thái Bình tăng với tốc độ nhanh chóng trong đó, công nghiệp, xây dựng chiếm 69%, thương mại dịch vụ 29%, nông nghiệp 2%. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất ước đạt 51.066,5 tỷ đồng, quy mô kinh tế chiếm 25% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thu nhập đầu người đạt 78 triệu đồng/năm.

Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 2.500 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, tạo việc làm cho hơn 80.000 lao động. Nhiều dự án thương mại dịch vụ lớn đi vào hoạt động. Thu ngân sách Nhà nước đều đạt và vượt chỉ tiêu. 2 năm liên tiếp (2022 và 2023), TP. Thái Bình đứng đầu về Chỉ số Năng lực cạnh tranh (DDCI) cấp huyện. Môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút được nhiều nhà đầu tư có uy tín về nghiên cứu và đầu tư.

Thành phố cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tích cực tháo gỡ, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, TP. Thái Bình đã ban hành nhiều đề án như tái cơ cấu kinh tế; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung; lắp đặt camera an ninh, cải tạo vỉa hè, bãi đỗ xe ô tô...; từng bước hoàn thiện các tiêu chí trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Về giao thông, thành phố dần mở rộng các tuyến đường, nối dài nhiều tuyến đường mới như vành đai phía Nam, đường Võ Nguyên Giáp, đường Kỳ Đồng kéo dài, đường Lê Quý Đôn, đường Chu Văn An kéo dài… và cùng những cây cầu hiện đại bắc qua sông Trà Lý. Hệ thống cây xanh được phủ xanh tại hầu hết các tuyến phố như Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Trần Phú, Võ Nguyên Giáp, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng…

TP Thái Bình cũng đón loạt khu đô thị mới hiện đại như Khu đô thị Trần Hưng Đạo, Petro Thăng Long, Khu đô thị phức hợp Thái Bình Dragon City, DragonHomes Eco City...; các dự án nhà ở xã hội phường Lê Hồng Phong, phường Quang Trung...