Đầu tháng 3, tỉnh Nam Định đã tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cũng trong hội nghị, tỉnh Nam Định đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, đăng ký đầu tư cho 7 dự án với tổng số vốn gần 420 triệu USD, ký bản ghi nhớ đầu tư với 9 doanh nghiệp để triển khai thực hiện các dự án.

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Nam Định phần đấu trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng nam đồng bằng sông Hồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại buổi hội nghị: Nam Định là vùng đất văn hiến, địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và hiếu học; là cái nôi của giai cấp công nhân và phong trào công nhân, đầu thế kỷ XX ở Việt Nam. Vốn quý nhất để tỉnh phát triển không phải là những lợi thế về đất đai, tài nguyên thiên nhiên mà chính là ở văn hóa, nguồn nhân lực và nhân tài của vùng đất hiếu học, lá cờ đầu của giáo dục cả nước, địa phương có gần 30 năm trong "top" đầu cả nước về kết quả giáo dục phổ thông, giáo dục mũi nhọn...

Tỉnh vừa đạt GRDP kỷ lục: Sẽ trở thành trung tâm kinh tế vùng Nam đồng bằng sông Hồng, sở hữu tuyến đường sắt ven biển nối liền 4 tỉnh thành
Trong tương lai, Nam Định sẽ trở thành trở thành trung tâm kinh tế vùng Nam đồng bằng Sông Hồng

Đặc biệt, trong năm 2023, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh Nam Định đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó nổi bật có tổng sản phẩm GRDP ước tăng 10,19%, cao nhất từ trước đến nay. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tỉnh đạt mức tăng trưởng hai con số và xếp thứ 6 toàn quốc về tăng trưởng GRDP năm 2023.

Tầm nhìn đến năm 2050, Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng.

Bên cạnh việc giữ nguyên hiện trạng, nâng cấp một số chợ thì tỉnh Nam Định sẽ đầu tư xây dựng mới khu dịch vụ thương mại tổng hợp, logistics ở Thành phố Nam Định và các vùng phụ cận như Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Ý Yên, Giao Thủy.

Trọng tâm của quy hoạch, tỉnh Nam Định sẽ hướng tới phát triển du lịch theo hướng bền vững và đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là điểm đến an toàn, hấp dẫn của Vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Bộ.

Các khu du lịch biển đặc biệt sẽ xây dựng và từng bước khẳng định một số thương hiệu đặc thù của Nam Định như các khu du lịch biển (Quất Lâm, Thịnh Long, Rạng Đông,...).

Khu du lịch, đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Giao Thủy với tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch, thể thao sân gôn, tắm biển, thể dục thể thao, vui chơi cao cấp Bạch Long... được xây dựng tại huyện Giao Thủy và Hải Hậu.

Nam Định cũng có kế hoạch đầu tư mở rộng mạng lưới cơ sở y tế của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có ít nhất 30 cơ sở khám chữa bệnh các cấp. Đầu tư hạ tầng y tế có dịch vụ chất lượng cao, khuyến khích các cơ sở y tế tư nhân đảm bảo theo quy định. Hình thành và phát triển các trung tâm dưỡng lão, nhà dưỡng lão.

Về giáo dục và đào tạo, theo kế hoạch xây dựng tỉnh Nam Định trở thành một trong những trung tâm về giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Vùng đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, hình thành hệ thống các trường theo chuẩn quốc tế, liên cấp.

Về phát triển mạng lưới giao thông đường sắt thực hiện theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, tỉnh Nam Định có tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam chạy qua. Bên cạnh các tuyến đường sắt trọng điểm, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh còn xây dựng tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh với tổng chiều dài tuyến 120km; quy mô đường đơn, khổ 1.435mm.

Bên cạnh tuyến đường sắt dài 120km ven biển sẽ là trục phát triển kinh tế biển, du lịch, dịch vụ và phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ.

Trong tương lai, tỉnh cũng sẽ xây dựng cảng biển tổng hợp mới phục vụ cho phát triển khu kinh tế Ninh Cơ, khu công nghiệp Dệt may Rạng Động, các nhà máy luyện thép quy mô lớn. Nghiên cứu phát triển hướng ra biển (lấn biển) khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của luật hiện hành.

Quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Nam Định có 7 cảng hàng hóa tổng hợp với công suất mỗi cảng từ 200.000-700.000 tấn/năm và cỡ tàu từ 1.000-5.000 tấn.

Trong tương lai, Nam Định sẽ có phương án xây dựng hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu cá. Cụ thể, chú trọng kết hợp việc xây dựng các cảng cá gắn liền với khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá. Bên cạnh đó nâng cấp, hoàn thiện và quản lý có hiệu quả cơ sở hạ tầng, vật chất tại các cảng cá Ninh Cơ, Thịnh Lâm, Quần Vĩnh và các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão đã được xây dựng. Mục tiếu đến năm 2030, tỉnh có 6 cảng cá và 4 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.