Một ông lớn gia nhập thị trường thép cuộn cán nóng, cạnh tranh trực tiếp với Hòa Phát và Formosa

Mới đây, ông Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp thúc đẩy tiến độ các dự án do Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư tại khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng). Cuộc họp có sự tham dự của Tổ công tác 874, các sở ngành liên quan và lãnh đạo huyện Nghĩa Hưng.

Theo báo cáo của UBND huyện Nghĩa Hưng, công tác giải phóng mặt bằng tổ hợp 3 dự án Thép xanh đang đạt kết quả tích cực. Dự án Nhà máy cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định đã được bàn giao 100% diện tích. Dự án Nhà máy Thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng (83,94ha) đã thu hồi toàn bộ diện tích, sẵn sàng bàn giao. Dự án Nhà máy Thép xanh số 1 (284,97ha) đã thu hồi 279,5ha, đạt 98,1%; còn lại 5,47ha đang xử lý vi phạm, dự kiến bàn giao trước ngày 23/5/2025.

Về thủ tục đất đai, dự án cấu kiện bê tông đã được tỉnh cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dự án Thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng đang chờ thẩm định hồ sơ thuê đất. Dự án Thép xanh số 1 đang hoàn thiện báo cáo khả thi để đủ điều kiện nộp hồ sơ thuê đất.

CTCP Xuân Thiện Nam Định - đại diện nhà đầu tư cho biết đã chi trả 40,9 tỷ đồng cho công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB và xây dựng nhà mới. Đặc biệt,100% hộ dân (310 lô, 435,8ha) đã bàn giao mặt bằng. Nhà đầu tư cam kết sẵn sàng nguồn vốn cho phần diện tích còn lại và ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương.

Về tiến độ, dự án cấu kiện bê tông đã khởi công từ tháng 11/2022, dự kiến vận hành vào quý III/2026. Nhà đầu tư đề xuất khởi công đồng thời 2 dự án Thép xanh trước ngày 17/6 và kiến nghị Trung ương bổ sung dự án điện khí LNG 4.800MW vào Quy hoạch điện VIII để đảm bảo nguồn điện.

Tổ hợp thép gần 100.000 tỷ đồng của đại gia kín tiếng Ninh Bình gấp rút khởi công trước thềm Bộ Công Thương ra phán quyết
Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh: Báo Nam Định)

Phát biểu kết luận, ông Trần Anh Dũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung hoàn tất thủ tục, bàn giao mặt bằng còn lại và đảm bảo các điều kiện khởi công trước 17/6. Đồng thời, đơn vị cần phối hợp với EVN, Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ các công trình điện trọng điểm, chủ động tháo gỡ khó khăn liên quan đến cấp nước, giao thông, vật liệu san lấp, môi trường và quy hoạch. Lãnh đạo tỉnh cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư, đồng thời đề nghị doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với chính quyền để triển khai dự án an toàn, hiệu quả.

Tổ hợp các dự án thép xanh Nam Định của CTCP Tập đoàn Xuân Thiện đặt tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, với tổng vốn đầu tư gần 100.000 tỷ đồng. Tổ hợp bao gồm 3 nhà máy: Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn với tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng; Nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng (diện tích 83,93ha), tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, công suất 2 triệu tấn/năm và Nhà máy thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định (diện tích 284,97ha), tổng vốn đầu tư 88.000 tỷ đồng, công suất 7,5 triệu tấn/năm.

Khi đi vào hoạt động, tổ hợp Thép xanh dự kiến cung cấp 9,5 triệu tấn thép/năm, trong đó khoảng 7,5 triệu tấn là thép cuộn cán nóng (HRC). Theo đó, Xuân Thiện sẽ cạnh tranh trực tiếp với 2 doanh nghiệp lớn đang sản xuất HRC tại Việt Nam là Hòa Phát (HoSE: HPG) và Formosa Hà Tĩnh.

Tập đoàn Xuân Thiện có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình, được thành lập năm 2000 bởi doanh nhân Nguyễn Văn Thiện. Trước khi mở rộng sang lĩnh vực luyện thép, doanh nghiệp này đã phát triển mạnh trong mảng năng lượng, sở hữu 16 nhà máy thủy điện và điện mặt trời trên cả nước như: Suối Sập 1, Suối Sập 2A, Hang Đồng A, Hang Đồng A1, Thác Ca 1, Thác Ca 2, Ea Súp 1 - 5...
Tổ hợp thép gần 100.000 tỷ đồng của đại gia kín tiếng Ninh Bình gấp rút khởi công trước thềm Bộ Công Thương ra phán quyết
Phối cảnh tổ hợp nhà máy Thép xanh Xuân Thiện tại Nam Định

Bộ Công Thương sắp ra phán quyết vụ điều tra thép cuộn cán nóng HRC Trung Quốc

Ngày 21/2/2025, Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ trong 120 ngày, bắt đầu từ ngày 8/3. Theo nội dung, Ấn Độ có hành vi bán phá giá nhưng do tỷ lệ nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%), nên được loại khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời. Tuy nhiên, thép HRC Trung Quốc bị áp thuế 19,38% - 27,83%.

Đến ngày 3/4, Cục Phòng vệ thương mại đã tổ chức tham vấn công khai với các bên liên quan trong khuôn khổ vụ việc điều tra chống bán phá giá này. Theo trình tự, sau khi lấy ý kiến từ các bên, Bộ Công Thương sẽ ban hành kết luận điều tra cuối cùng.

Theo đó, quyết định này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho các nhà sản xuất thép HRC trong nước như Hòa Phát, Formosa và sắp tới là Tập đoàn Xuân Thiện. Trong bối cảnh thị trường đang thiếu hụt nguồn cung, việc siết nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc không chỉ giảm áp lực cạnh tranh mà còn mở ra cơ hội gia tăng thị phần cho các doanh nghiệp nội.