Chiều 17/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Làn sóng đầu tư công với những dự án lớn sẽ tạo xung lực cho kinh tế vĩ mô
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định 'tội' của đấu thầu là chậm tiến độ phát triển, chậm công trình, chất lượng kém, tội hư hỏng, mất cán bộ và không tiết kiệm...

Thể chế là động lực cho sự phát triển của đất nước

Phát biểu tại thảo luận tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết khẳng định thể chế là một điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển, đồng thời cũng xác định rõ thể chế, pháp luật là động lực, nền tảng phát triển đất nước.

Theo Tổng Bí thư, quy định luật pháp phải huy động được sức mạnh, sự đồng tình, sự tham gia của người dân, bởi đây là nguồn lực rất lớn. Bộ Chính trị cũng nêu lên những quan điểm chính về xây dựng thể chế, xây dựng pháp luật được thể hiện trong Nghị quyết 66.

Tổng Bí thư nhấn mạnh Nghị quyết 66 ra đời với mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch để tạo ra môi trường ổn định cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, loại bỏ triệt để các rào cản do pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn gây ra.

Với khối lượng công việc rất lớn trong sửa luật, xây dựng thể chế, Tổng Bí thư nhắc lại yêu cầu "vừa chạy vừa xếp hàng", dù "hàng lối chưa được thẳng, vẫn xộc xệch", bởi nếu chờ hàng ngũ chỉnh tề mới chạy thì các nước đã đi rất xa rồi.

"Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước để đảm bảo tính dự phòng cao, phù hợp thực tiễn và yêu cầu phát triển nhanh chóng. Khi xây dựng luật, ta phải hình dung ra sự phát triển sẽ như thế nào, nếu không có được tư duy đó thì rất khó", Tổng Bí thư nêu quan điểm.

Ông cũng nhấn mạnh việc thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng và thực chất, gắn liền với công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân và xã hội. "Luật pháp không phục vụ cho lợi ích của nhóm nào cả mà phục vụ cho toàn dân", Tổng Bí thư nói.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư chỉ đạo tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin - cho, triệt tiêu lợi ích cục bộ và đặc quyền đặc lợi.