Chia sẻ tại Hội thảo “Cà phê Việt Nam: Tăng lợi ích cho người trồng, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết hiện nay, cà phê đặc sản Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Được chế biến theo quy trình nghiêm ngặt và đáp ứng các tiêu chí chất lượng cao, loại cà phê này đang được bán ra với giá dao động từ 6.000 USD/tấn, cao hơn nhiều so với cà phê thương phẩm thông thường.
Đặc biệt, khoảng 10% sản lượng cà phê cả nước đã được đưa vào chế biến sâu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh thị trường ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, tính bền vững và trách nhiệm môi trường.
![]() |
Cà phê đặc sản đang có giá dao động từ từ 6.000 USD/tấn. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, theo chuyên gia thị trường Nguyễn Quang Bình, một trong những rào cản lớn nhất của ngành cà phê Việt chính là mô hình sản xuất manh mún. Có đến 90% sản lượng cà phê đến từ các hộ nông dân nhỏ lẻ, với quy mô chỉ vài tấn mỗi năm. Rất hiếm trang trại đạt mức 100 tấn trở lên, một con số quá khiêm tốn nếu so với tiêu chuẩn quốc tế về vùng nguyên liệu tập trung.
Sản xuất nhỏ lẻ không chỉ gây khó khăn trong việc áp dụng công nghệ chế biến sâu, mà còn khiến nông dân thiếu khả năng chủ động về vốn, kỹ thuật và dự đoán thị trường. Khi giá cà phê đạt mức 150.000–170.000 đồng/kg, việc thiếu kỹ năng quản trị chi phí khiến nhiều hộ đối mặt với rủi ro thua lỗ, đặc biệt trong những thời điểm giá biến động.
Theo ông Bình, một hợp tác xã quy mô tối thiểu 1.000 ha có thể là lời giải cho bài toán phát triển bền vững. Chỉ khi nông dân được tổ chức lại theo mô hình hợp tác, được hỗ trợ vốn và tiếp cận công nghệ thì mới có thể phát triển cà phê đặc sản một cách bài bản và hiệu quả.
![]() |
Thị trường tiêu thụ nội địa của cà phê đặc sản vẫn chưa thực sự phát triển. Ảnh minh họa |
Một điểm đáng chú ý là thị trường tiêu thụ nội địa vẫn chưa thực sự phát triển. Hiện tại, chỉ khoảng 5–10% tổng sản lượng cà phê Việt Nam được tiêu thụ trong nước, phần lớn vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu. Trong khi đó, nhu cầu nội địa chính là yếu tố then chốt giúp duy trì sự ổn định và gia tăng giá trị sản phẩm.
Bà Bùi Hoàng Yến, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngành cà phê đang đứng trước yêu cầu cao hơn từ các thị trường quốc tế, như truy xuất nguồn gốc, chứng nhận bền vững hay cam kết không phá rừng. Để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân, Bộ Công Thương đã phối hợp triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng chỉ dẫn địa lý và tổ chức các buổi đào tạo chuyển đổi số, livestream bán hàng cho nông dân.
Việc có được chứng chỉ carbon và thực hiện các tiêu chuẩn xanh sẽ là điều kiện bắt buộc nếu muốn đưa cà phê Việt tiếp cận các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản, bà Yến nhấn mạnh.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 662.900 tấn cà phê, thu về 3,78 tỷ USD dù sản lượng giảm gần 10% nhưng giá trị lại tăng hơn 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy xu hướng chuyển dịch từ lượng sang chất đang bắt đầu phát huy hiệu quả.