Theo Viện Quản lý Dự án PMI, thế giới sẽ cần thêm khoảng 30 triệu nhân sự trong lĩnh vực quản lý dự án từ nay đến năm 2035. Sự thiếu hụt này đặc biệt rõ nét tại các quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, nơi các doanh nghiệp liên tục mở rộng và triển khai dự án mới.

Tại Mỹ, một trong những thị trường lao động lớn nhất thế giới, mức lương trung bình của một quản lý dự án rơi vào khoảng 120.000 USD/năm, tức hơn 3 tỷ đồng Việt Nam. Không chỉ vậy, đây là một trong số ít ngành nghề không yêu cầu bằng đại học. Thay vào đó, nhà tuyển dụng ưu tiên những ứng viên có kỹ năng thực tế, kinh nghiệm điều phối và tư duy chiến lược.

Quản lý dự án không đơn thuần là giám sát tiến độ công việc. PM là người lên kế hoạch, phân bổ nguồn lực, kiểm soát ngân sách và đảm bảo chất lượng của toàn bộ dự án. Nói cách khác, họ là “kiến trúc sư” đứng sau thành công hay thất bại của mỗi công trình, sản phẩm hoặc sáng kiến.

Lương 3 tỷ/năm, không cần bằng cấp: Nghề cực hot mà AI chưa thể đe dọa
Thế giới đang thiếu 30 triệu nhân sự trong lĩnh vực quản lý dự án từ nay đến năm 2035. Ảnh minh họa

Theo bà Ordonna Sargeant, giảng viên tại Đại học Metropolitan College of New York, công việc này “lấy con người làm trung tâm” với yếu tố quan trọng nhất là giao tiếp hiệu quả và khả năng lắng nghe. Khoảng 90% thời gian của PM được dành cho việc trao đổi với các bên liên quan, từ nhà đầu tư, đối tác đến nhân viên nội bộ.

Trong khi nhiều vị trí văn phòng đang bị thay thế bằng các phần mềm tự động hóa, quản lý dự án vẫn giữ vững vị thế bởi đây là công việc đòi hỏi phán đoán con người, xử lý tình huống linh hoạt và đánh giá rủi ro theo bối cảnh thực tế.

“Cũng như bản đồ không thể thay thế địa hình thực tế, AI chỉ là công cụ hỗ trợ, không phải người ra quyết định”, bà Sargeant nhấn mạnh. Các phần mềm hiện nay có thể giúp PM phân tích dữ liệu hoặc sắp xếp tiến độ, nhưng việc điều phối con người, xử lý xung đột hoặc ra quyết định chiến lược vẫn là điều mà AI chưa thể làm tốt.

Lương 3 tỷ/năm, không cần bằng cấp: Nghề cực hot mà AI chưa thể đe dọa
Ngành nghề này sẽ chưa bị AI thay thế trong thời gian gần. Ảnh minh họa

Điểm đặc biệt của nghề quản lý dự án là không giới hạn đầu vào. Bạn có thể xuất phát từ nhiều ngành như kỹ thuật, marketing, tài chính, hoặc thậm chí là... hoàn toàn không có bằng cấp nếu có kỹ năng phù hợp.

Hiện nay, chứng chỉ PMP (Project Management Professional) do PMI cấp được xem là “tấm hộ chiếu” phổ biến nhất để hành nghề chuyên nghiệp. Kỳ thi lấy chứng chỉ này có chi phí vài trăm USD, với nhiều khóa luyện thi linh hoạt: từ 12 tuần tại Đại học Rice (Houston) đến các lớp trực tiếp tại các thành phố lớn do Project Management Academy tổ chức.

Ngoài ra, học viên cũng có thể tự học qua sách, tài liệu miễn phí trên mạng, hoặc thông qua các kênh như YouTube, nơi có vô số nội dung đào tạo thực tiễn.

Quản lý dự án từng là ngành có điểm chuẩn cao ngất ngưởng tại các trường đại học trong năm 2024, cho thấy sự quan tâm lớn của giới trẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cảnh báo thí sinh nên tỉnh táo khi chọn ngành: không nên chạy theo xu hướng mà cần hiểu rõ bản chất công việc.

Một PM giỏi không chỉ giỏi giao tiếp, mà còn phải có tư duy chiến lược, khả năng xử lý áp lực và đặc biệt là biết cách cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan.