Tại Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, sáng 18/5, ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, đã nêu bật vai trò hành động nhanh, mạnh mẽ của giới doanh nhân trẻ.
"Ngay khi truyền thông công bố Nghị quyết 68 vào buổi sáng, thì buổi trưa cùng ngày, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã tổng hợp và gửi 27 điểm cốt lõi đến hơn 19.000 hội viên trên toàn quốc", ông Đặng Hồng Anh cho hay.
![]() |
Theo ông Đặng Hồng Anh, số hóa hệ thống pháp lý không chỉ giảm chi phí tuân thủ và rút ngắn thời gian tiếp cận thông tin pháp luật, mà còn giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đóng góp xây dựng chính sách. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Không dừng lại ở đó, Hội còn xây dựng một kế hoạch hành động gồm 5 chương trình trọng điểm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc thúc đẩy giao thương nội khối thông qua sử dụng sản phẩm của nhau, đổi hàng, bán hàng cùng nhau – với mục tiêu tăng nội lực cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
“Chúng tôi xác định phải hành động ngay, đồng hành cùng Chính phủ trong việc hiện thực hóa Nghị quyết. Việc liên kết, tiêu dùng nội bộ sẽ giúp doanh nghiệp vượt khó, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn”, ông Hồng Anh nhấn mạnh.
Ông cũng chia sẻ thêm, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang triển khai một loạt chương trình thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, đặt mục tiêu hình thành thế hệ doanh nhân trẻ “có tư duy toàn cầu, làm chủ công nghệ và phụng sự đất nước”.
“Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo chính là động lực giúp kinh tế tư nhân bứt phá. Chúng tôi tin rằng khi thể chế được cải cách mạnh mẽ, chi phí giao dịch được giảm thiểu, thì nội lực của doanh nghiệp sẽ càng được phát huy mạnh mẽ hơn nữa".
Đặt câu hỏi trực diện với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Đặng Hồng Anh nêu: “Chính phủ có lộ trình như thế nào để số hóa quy trình trong hệ thống pháp luật, giúp doanh nghiệp tra cứu và theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ pháp lý một cách dễ dàng hơn?”
Câu trả lời của Thủ tướng đã thể hiện sự lắng nghe và đồng tình với đề xuất này. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp xây dựng cổng pháp lý số. Theo Thủ tướng, cổng pháp lý số này sẽ mang lại 3 lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và doanh nhân, bao gồm:
Thứ nhất, tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, từ đó giảm thiểu chi phí tìm kiếm thông tin.
Thứ hai, tạo kênh tương tác để doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp ý kiến xây dựng chính sách và hoàn thiện thể chế trong quá trình thực hiện các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 68 và Nghị quyết 198 của Quốc hội, Nghị quyết 139 của Chính phủ.
Thứ ba, giảm thiểu các thủ tục hành chính và thời gian đi lại cho doanh nghiệp khi các công việc pháp lý có thể được xử lý trực tuyến trên cổng pháp lý số.
“Đây sẽ là một bước chuyển đổi số quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh triển khai Nghị quyết 68. Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ có trách nhiệm triển khai, tiếp tục lấy thêm ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để đảm bảo cổng pháp lý số được xây dựng một cách thuận tiện và hiệu quả nhất", Thủ tướng khẳng định.
Số hóa quy trình pháp lý là bước đi chiến lược, bắt nhịp với xu thế toàn cầu và sát với nhu cầu thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp. Khi thông tin pháp luật được minh bạch, dễ tra cứu và tiến độ xử lý hồ sơ được theo dõi trực tuyến, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong điều hành, giảm rủi ro pháp lý và dồn lực cho sản xuất – kinh doanh.
Không dừng lại ở việc tiết kiệm chi phí, số hóa còn góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, nâng sức hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, hiệu quả.
Đề xuất của ông Đặng Hồng Anh không chỉ thể hiện tầm nhìn của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ mà còn cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp với các quyết sách của Chính phủ. Việc Chính phủ nhanh chóng tiếp thu và triển khai ý tưởng này hứa hẹn sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp và đất nước.