Tại trụ sở Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) ở Washington D.C, đoàn công tác Bộ Tài chính Việt Nam do ông Âu Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Hải quan dẫn đầu - vừa có buổi làm việc với CBP nhằm thúc đẩy hợp tác hải quan song phương, đặc biệt trong phòng chống chuyển tải bất hợp pháp và gian lận xuất xứ.

Tại buổi làm việc, hai bên đã thẳng thắn trao đổi nhiều nội dung trọng tâm liên quan đến công tác kiểm soát thương mại xuyên biên giới. Đại diện CBP cho biết cơ quan này đã xử lý hàng loạt vụ vi phạm về xuất xứ, bao gồm 736 vụ liên quan đến hàng hóa từ Trung Quốc và 30 vụ từ các quốc gia khác vào Hoa Kỳ.

Ông Sung Huyn Ha – Giám đốc điều hành phụ trách khu vực thuộc Văn phòng Thương mại Hải quan Hoa Kỳ cảnh báo: Hoạt động chuyển tải bất hợp pháp ngày càng tinh vi, với các chiêu trò như đổi container, làm giả chứng từ, vận chuyển hàng qua nước thứ ba... được công khai quảng bá trên mạng.

“Chúng tôi đã phát đi cảnh báo chính thức trên website của CBP, khẳng định các công ty Hoa Kỳ nếu tham gia vào chuỗi hoạt động này sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật”, ông Sung Huyn Ha nhấn mạnh.

Phía Việt Nam, ông Âu Anh Tuấn cho biết, Hải quan Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát rủi ro, thanh tra sau thông quan, phân tích dữ liệu và thường xuyên rà soát doanh nghiệp có dấu hiệu bất thường. Từ năm 2019 đến nay, Việt Nam đã phối hợp với CBP xử lý hơn 35 vụ việc liên quan đến gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

Hải quan quyết chặn hàng hoá 'núp bóng' Việt Nam để lẩn tránh thuế vào Mỹ
Đại diện Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) và đoàn công tác Bộ Tài chính Việt Nam tại buổi làm việc. Ảnh: VGP

“Chính phủ Việt Nam và Bộ Tài chính nhất quán quan điểm không cho phép lợi dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển để lẩn tránh thuế”, ông Tuấn khẳng định.

Ông cũng cho biết, Việt Nam đang hoàn thiện kế hoạch sàng lọc các dự án đầu tư có dấu hiệu chỉ thực hiện gia công đơn giản, không tạo giá trị gia tăng, đồng thời khuyến khích các dự án ứng dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp phụ trợ để đáp ứng tiêu chí xuất xứ trong thương mại toàn cầu.

Bên cạnh đó, phía Việt Nam đề nghị CBP chia sẻ kịp thời các thông tin như danh sách doanh nghiệp rủi ro, biến động kim ngạch bất thường… để phối hợp kiểm tra, đối chiếu.

Một nội dung hợp tác đáng chú ý là chương trình trao đổi dữ liệu điện tử (FECDEP) nhằm chia sẻ thông tin manifest theo thời gian thực để ngăn chặn hàng hóa rủi ro, bất kể nguồn gốc. CBP bày tỏ mong muốn sớm ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Việt Nam để chính thức hóa cơ chế hợp tác này.

Hiện phía Việt Nam đang tham vấn nội bộ về nội dung MOU. Hai bên thống nhất sẽ tổ chức họp kỹ thuật trực tuyến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2025 để giải quyết các vướng mắc pháp lý và kỹ thuật, tiến tới ký kết chính thức.

Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận việc triển khai Sáng kiến An ninh container (CSI) do CBP khởi xướng từ năm 2002. Chương trình này đang được áp dụng tại 69 cảng thuộc 36 quốc gia, nhằm kiểm soát an ninh từ xa đối với các lô hàng container.

Ông Sung Huyn Ha cho biết CBP sẵn sàng phối hợp triển khai CSI tại Việt Nam. Phía Việt Nam đánh giá thời điểm hiện nay là phù hợp khi đã có hai cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải và Lạch Huyện đủ điều kiện xuất container trực tiếp sang Hoa Kỳ. Hải quan Việt Nam sẽ nghiên cứu mô hình triển khai phù hợp từ phía Hoa Kỳ.

Cuối buổi làm việc, Việt Nam đề nghị CBP tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ hải quan, đặc biệt trong công tác nhận diện và ngăn chặn hành vi gian lận từ gốc.