Sáng 10/7, Tạp chí Hàng không tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Nghị quyết 68: Cơ hội của các hãng bay tư nhân Việt Nam", thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia và doanh nghiệp.

Dư địa hàng không còn rất lớn, tư nhân sẵn sàng đầu tư

Phát biểu tại sự kiện, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhấn mạnh: Phân cấp, phân quyền đang là xu thế rõ rệt trong điều hành nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Ông dẫn ví dụ về việc một số địa phương như Ninh Bình đã đề xuất đầu tư sân bay bằng nguồn vốn tư nhân và cho rằng những đề xuất này “rất cần được ủng hộ”.

“Doanh nghiệp tư nhân không xin ngân sách, tự bỏ vốn và chịu toàn bộ rủi ro đầu tư. Họ có động lực cao nhất để tính toán hiệu quả. Vai trò của Nhà nước khi đó là tạo khuôn khổ pháp lý, cơ chế thuận lợi và giám sát quá trình thực hiện”, ông Dũng nói.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Bamboo Airways – TS. Lương Hoài Nam - cho rằng, nhiều địa phương có tiềm năng du lịch, bất động sản hoàn toàn sẵn sàng đầu tư xây dựng sân bay nếu có hành lang pháp lý rõ ràng. Ông khẳng định: “Dư địa tăng trưởng ngành hàng không Việt Nam còn rất lớn, có thể tăng thêm hơn 10% so với hiện tại. Nhà nước nên chủ động mời gọi tư nhân tham gia, thay vì chờ đợi”.

Tổng Giám đốc Bamboo Airways: Doanh nghiệp tư nhân không có nổi một mét vuông đất sân bay
Ông Lương Hoài Nam - Tổng Giám đốc Bamboo Airways

“Chúng tôi không có một mét vuông đất nào trong sân bay”

Tại buổi giao lưu, ông Lương Hoài Nam nêu vấn đề bất bình đẳng giữa các hãng hàng không trong việc tiếp cận hạ tầng, đất đai và dịch vụ tại sân bay.

“Vietnam Airlines (HVN) hiện có quỹ đất rất lớn tại các sân bay, đủ để triển khai toàn bộ hệ sinh thái hàng không từ dịch vụ mặt đất, kỹ thuật, logistics đến thương mại sân bay. Trong khi đó, các hãng tư nhân như chúng tôi không có một mét vuông đất sân bay nào là của mình cả”, ông nói.

Ông Nam cho rằng điều này không chỉ gây thiệt thòi cho doanh nghiệp mà còn dẫn đến lãng phí tiềm năng quỹ đất sân bay nếu không được khai thác hiệu quả. Thực tế, hiện nay chưa có cơ chế nào để hàng không tư nhân có thể tiếp cận quỹ đất trong sân bay để đầu tư, kinh doanh.

Ông kêu gọi cần thiết lập một cơ chế bình đẳng cho các hãng bay tư nhân trong các vấn đề như: Tiếp cận đất đai, cơ sở hạ tầng, ưu đãi thuế phí, phân bổ slot, và cơ hội mở đường bay mới.

“Khi có quyền tiếp cận công bằng, các hãng tư nhân hoàn toàn có thể đầu tư bài bản, tạo ra giá trị thực sự cho ngành hàng không và nền kinh tế”, ông Lương Hoài Nam khẳng định.