Thời kỳ tăng trưởng "vàng son" kéo dài nhiều thập kỷ của ngành thép Trung Quốc, được thúc đẩy bởi đầu tư nhà nước và nhu cầu khổng lồ trong ngành xây dựng, đang dần khép lại.

Hiện ngành công nghiệp thép của nước này đang phải đối mặt với áp lực kép đến từ cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa chứng kiến mức tăng trưởng yếu kém do nước này vẫn chìm sâu trong cuộc khủng hoảng bất động sản và hoạt động sản xuất chậm lại, hoạt động xuất khẩu thép - lĩnh vực vốn là điểm tựa của ngành thép Trung Quốc - cũng đối diện với nhiều áp lực, nhất là rào cản thương mại gia tăng trên toàn cầu.

Theo số liệu từ Hải quan nước này, vào năm ngoái, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục là khoảng 111 triệu tấn, cao nhất trong vòng 9 năm gần đây. Tuy nhiên, sau khi chạm đỉnh, sản lượng xuất khẩu dự kiến sẽ giảm trong năm nay và năm tới do phải đối mặt với nhiều áp lực, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu đang tiến gần hơn đến một cuộc chiến thương mại trên nhiều mặt trận, khi các nước đua nhau đưa ra biện pháp hạn chế nhập khẩu loại vật liệu công nghiệp này.

Báo cáo mới đây từ Goldman Sachs cũng đưa ra kết quả tương tự. Theo Goldman Sachs, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm ngoái và dự kiến sẽ giảm 3% trong năm nay, sau đó tiếp tục giảm mạnh tới hơn một phần ba vào năm 2026. Theo các chuyên gia của ngân hàng đầu tư này, lực cản lớn nhất đối với xuất khẩu là số lượng lớn các cuộc điều tra chống bán phá giá đang diễn ra trên toàn thế giới.

Trung Quốc dự kiến giảm xuất khẩu thép, ngành thép Việt Nam được hưởng lợi gì?
Xuất khẩu thép của Trung Quốc

Bên cạnh đó, vào tháng 3, Chính phủ nước này đã phát đi tín hiệu hạn chế sản lượng thép trong năm nay, điều này càng đe dọa đến dòng chảy xuất khẩu và làm giảm quy mô ngành thép nước này. Cụ thể, hôm 4/3, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) tuyên bố nước này sẽ thúc đẩy tái cấu trúc ngành thép thông qua việc cắt giảm sản lượng thép thô. Theo dự báo, sản lượng thép của nước này sẽ giảm 2% trong năm nay và tiếp tục giảm thêm 3% vào năm sau. Điều này sẽ đưa sản lượng thép năm 2026 của Trung Quốc giảm về mức 946 triệu tấn – thấp hơn khoảng 10% so với mức đỉnh của năm 2020, thời điểm Chính phủ nước này bắt đầu thúc đẩy việc cắt giảm sản lượng.

Trung Quốc dự kiến giảm xuất khẩu thép, ngành thép Việt Nam được hưởng lợi gì?
Sản lượng thép thô của Trung Quốc

Trước tình hình ngành thép Trung Quốc đang lộ diện những điểm yếu, ngành thép Việt Nam được kỳ vọng sẽ đón nhận những tín hiệu lạc quan.

Thứ nhất, việc Trung Quốc giảm xuất khẩu thép sẽ khiến thị phần thép của nước này thu hẹp hơn trên bản đồ thép thế giới. Đây là tín hiệu tích cực đối với ngành thép nước ta, do áp lực cạnh tranh đối với thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được xoa dịu bớt. Việt Nam sẽ có cơ hội duy trì và phát triển thị trường thép nội địa mà không phải chịu sự cạnh tranh quá lớn từ thép giá rẻ của nước này.

Thứ hai, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc Trung Quốc giảm xuất khẩu sẽ tạo ra khoảng trống cho các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là ở các quốc gia thiếu hụt nguồn cung thép, buộc các nước này phải tìm nguồn cung thay thế. Việt Nam có để tận dụng cơ hội này để mở rộng thị phần thép của mình tại các thị trường châu Á, châu Âu và Mỹ. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, ngành thép Việt có thể mở rộng thị trường xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại trong ngành thép.

Thứ ba, chính sách tái cấu trúc của Trung Quốc có thể đẩy mạnh việc sản xuất thép chất lượng cao, nghĩa là tập trung vào chất lượng thay vì sản xuất thép giá rẻ, số lượng nhiều và chất lượng thấp. Điều này có thể mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất thép Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp có khả năng sản xuất thép chất lượng cao, gia tăng xuất khẩu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.