Trong bối cảnh hệ thống hành chính Việt Nam chuẩn bị bước vào cuộc đại sáp nhập lớn nhất lịch sử hiện đại theo Nghị quyết số 60-NQ/TW và Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15, câu hỏi không chỉ là “gộp tỉnh nào với tỉnh nào”, mà sâu xa hơn là “gộp thế nào để không làm vỡ cấu trúc quản trị?”.
Báo cáo PCI 2024 – do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện, dựa trên phản hồi từ hơn 10.000 doanh nghiệp – đã trở thành công cụ đo đạc cuối cùng trước cuộc tái định hình bản đồ quyền lực địa phương. Đây không còn là bộ chỉ số xếp hạng thông thường, mà là “bản thiết kế mềm” giúp nhận diện rõ năng lực quản trị thực chất ở từng tỉnh trước giờ G sáp nhập.
Khoảng cách điểm số: Cảnh báo thể chế lệch pha hậu sáp nhập
Theo Báo cáo PCI 2024, điểm số của các tỉnh nằm trong diện sáp nhập dao động mạnh từ dưới 60 đến trên 75 điểm. Sự chênh lệch này, lên đến hơn 15 điểm trong một số trường hợp, phản ánh rõ rệt bất đối xứng về chất lượng điều hành, khả năng phản ứng chính sách, và mức độ thân thiện với doanh nghiệp giữa các địa phương sẽ cùng chung một chính quyền trong tương lai. VCCI cảnh báo: “Sự khác biệt tương đối lớn về điểm số PCI giữa một số tỉnh dự kiến sáp nhập phản ánh khoảng cách về chất lượng điều hành giữa các địa phương”.
![]() |
Chênh lệch điểm số PCI 2024 giữa các tỉnh, thành phố trong diện sáp nhập. Nguồn: Báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). |
Đáng chú ý, chỉ số “Tính năng động của chính quyền” – vốn phản ánh mức độ chủ động, sáng tạo trong điều hành – đang có xu hướng suy giảm tại một số địa phương từng dẫn đầu. Điểm trung bình chỉ dao động từ 5,2 đến 5,5 trên thang điểm 10, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn quốc, cho thấy dấu hiệu mỏi mệt trong cải cách.
Bên cạnh đó, vấn đề chi phí không chính thức tiếp tục là điểm nghẽn cần giải quyết. Năm 2024, gần 37% doanh nghiệp cho biết vẫn phải trả các khoản chi ngoài quy định, tăng so với mức 33% năm 2023. Riêng trong thủ tục đất đai – vốn là một trong những thủ tục nền tảng đối với mọi hoạt động đầu tư – tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn đã tăng lên gần 50%, và chỉ 51% cho biết hoàn tất được thủ tục mà không bị vướng mắc. Nếu không có giải pháp chuẩn hóa quản trị hậu sáp nhập, khoảng cách thể chế này sẽ không biến mất mà còn phình rộng.
Điểm số điều hành: Gợi ý khoa học cho lựa chọn trung tâm tỉnh lỵ
Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 yêu cầu lựa chọn tỉnh lỵ mới dựa trên nhiều tiêu chí như vị trí địa lý, hạ tầng và năng lực tổ chức bộ máy. Trong đó, PCI – với 10 chỉ số thành phần chuẩn hóa – cung cấp một bộ dữ liệu định lượng hữu hiệu để so sánh giữa các địa phương hợp nhất. Đây là cơ sở không thể bỏ qua nếu muốn tiến hành sáp nhập một cách minh bạch, công bằng và có hiệu lực.
Chẳng hạn, nếu một tỉnh đạt 7,8 điểm về “Chi phí thời gian” – tức là tốc độ xử lý thủ tục hành chính cao – trong khi tỉnh còn lại chỉ đạt 5,2 điểm, thì việc chọn tỉnh yếu hơn làm trung tâm hành chính có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp về thời gian và chi phí. Tương tự, nếu chỉ số “Tính minh bạch” của một tỉnh cao hơn 2 điểm so với tỉnh còn lại, điều đó không chỉ phản ánh khả năng công khai thông tin tốt hơn, mà còn cho thấy chính quyền điện tử đã phát triển, sẵn sàng phục vụ mô hình hai cấp chính quyền sau sáp nhập.
Theo thống kê từ PCI 2024, hơn 90% doanh nghiệp tại các tỉnh có điểm PCI trên 70 cho biết họ dễ dàng tiếp cận được văn bản pháp luật cấp tỉnh. Ngược lại, ở nhóm tỉnh dưới 60 điểm, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 70%. Những con số này không đơn thuần là dữ liệu, mà là gợi ý trực tiếp cho việc xác định đâu là địa phương đủ tầm làm trung tâm điều hành.
Tái cấu trúc thể chế: Từ thống kê sang kiến tạo
Sáp nhập tỉnh không thể là một thao tác kỹ thuật, càng không thể là trò chơi “bản đồ học”. Nếu không được thiết kế dựa trên nền tảng thể chế mạnh, hiệu quả quản trị sau sáp nhập sẽ không thể đảm bảo. Dữ liệu từ PCI 2024 cho thấy chỉ 33% doanh nghiệp không gặp khó khăn khi mở rộng mặt bằng hoặc tiếp cận đất đai – giảm sâu từ mức 55% năm 2021. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp phải “chi ngoài” để hoàn tất thủ tục đất đai vẫn lên tới 24%.
Điều này cho thấy, nếu chọn phương án trung bình cộng các địa phương hợp nhất, rủi ro lan rộng bất cập sẽ rất lớn. PCI cần được sử dụng như công cụ để “định giá thể chế” từng tỉnh, nhằm chọn ra mô hình quản trị vượt trội nhất trong nhóm và mở rộng nó ra toàn tỉnh mới – thay vì mặc định chia đều quyền lực và trách nhiệm theo kiểu cơ học.
VCCI khuyến nghị: “Việc giải quyết những khác biệt này sẽ rất quan trọng để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ”. Điều này càng đúng nếu nhìn từ góc độ hiệu quả ngân sách, hiệu lực pháp luật và khả năng thu hút đầu tư. Không phải mọi tỉnh đều bình đẳng về năng lực điều hành – và việc sáp nhập không thể là cơ hội để san bằng xuống dưới.
Nếu được sử dụng đúng cách, PCI 2024 sẽ không chỉ là bản báo cáo tổng kết một chu kỳ thống kê 20 năm, mà còn là lộ trình cho hành trình kiến tạo một mô hình chính quyền địa phương linh hoạt, hiệu quả và thân thiện hơn với doanh nghiệp – đúng như kỳ vọng của người dân về một cuộc cải cách toàn diện, bắt đầu từ bản đồ.