![]() |
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long |
Năm 2024 đánh dấu sự phục hồi đáng kể của ngành thép Việt Nam sau giai đoạn dài đối mặt với khó khăn. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng tiêu thụ nội địa đạt 17 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ sự khởi sắc trở lại của lĩnh vực xây dựng dân dụng và đầu tư hạ tầng. Trong đó, thép xây dựng và thép mạ kẽm nhúng nóng là hai phân khúc tăng trưởng nổi bật nhất.
Trong bối cảnh ấy, Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu khi gia tăng thị phần thép xây dựng từ 35% lên 38% trong năm qua. Động lực đến từ sự mở rộng sản lượng và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường ASEAN. Các công ty chứng khoán dự báo, với việc thuế chống bán phá giá có hiệu lực cùng nhà máy thép Dung Quất 2 đi vào vận hành, thị phần HRC của Hòa Phát có thể đạt 25% vào năm 2025.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 17/4/2025, Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Thắng cho biết, quý I/2025, Tập đoàn ghi nhận doanh thu 37.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.300 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 15% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, thị phần nội địa tiếp tục tăng nhờ sự thúc đẩy mạnh mẽ của các dự án đầu tư công ngay từ đầu năm – điều ông đánh giá là khác biệt rõ rệt so với cùng kỳ các năm trước.
Về vấn đề thị trường xuất khẩu, ông Thắng cho biết ngành thép Việt Nam đã chịu mức thuế 232 của Mỹ từ nhiều năm trước nên hiện không nằm trong danh sách áp thuế đối ứng mới. Trong khi đó, một số quốc gia đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc lại bị Mỹ rút ưu đãi thuế trong thời gian gần đây. Nhờ vậy, Hòa Phát vẫn duy trì được hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong quý I/2025.
Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long bày tỏ quan điểm thận trọng trước bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều bất định. Ông cho biết việc Mỹ tạm hoãn áp dụng mức thuế đối ứng 46% trong vòng 90 ngày giúp giảm bớt áp lực ngắn hạn, song nguy cơ vẫn hiện hữu.
“Có người lạc quan, có người bi quan, thậm chí có ý kiến đề xuất ngừng xuất khẩu sang Mỹ, tuy nhiên, tôi muốn báo cáo với Đại hội rằng Hòa Phát đang duy trì thế phòng thủ tốt, với cách làm bài bản và thận trọng”, ông Long phát biểu.
Ông cũng chia sẻ thêm rằng, mặc dù ban lãnh đạo đôi khi bị đánh giá là bảo thủ, nhưng sự thận trọng luôn là nguyên tắc cốt lõi của Tập đoàn. Theo ông Long, nếu đàm phán hiệu quả và có chiến lược thích ứng phù hợp, cả nền kinh tế Việt Nam và Hòa Phát vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Dẫu vậy, Chủ tịch Hòa Phát lưu ý cần chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản bất lợi có thể xảy ra, đồng thời kêu gọi cổ đông và toàn bộ hệ thống nhìn nhận tình hình với tinh thần tích cực nhưng không chủ quan, hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Một điểm nhấn trong năm nay là việc Hòa Phát đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án Dung Quất 2 và đưa ra thị trường các sản phẩm mới. Chủ tịch HĐQT đánh giá đây là kết quả từ nỗ lực lớn của gần 40.000 cán bộ nhân viên Tập đoàn.
Đáng chú ý, bất chấp áp lực cạnh tranh từ nguồn cung giá rẻ của Trung Quốc và Ấn Độ, ông Long cho biết toàn bộ sản lượng HRC sản xuất ra vẫn được tiêu thụ hết theo đúng kế hoạch, khẳng định sức cạnh tranh và khả năng giữ thị phần ổn định của Hòa Phát trong bối cảnh nhiều thách thức.