TP.HCM cần bài học từ các siêu đô thị châu Á để bứt tốc

Sáng 12/7, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo "Bất động sản siêu đô thị TP.HCM: Thời cơ vàng cho nhà đầu tư Hà Nội".

Trong tham luận của mình, TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh: “TP.HCM không thể phát triển một mình, mà cần đặt trong bối cảnh liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Chúng tôi đặt TP.HCM cạnh các siêu đô thị như Seoul, Thượng Hải, Thâm Quyến, Mumbai để rút ra bài học”.

Theo ông, mô hình phát triển của các siêu đô thị tiên phong thế giới đều có điểm chung về phát triển đa trung tâm, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý đô thị, quy hoạch tích hợp, và mở rộng không gian phát triển theo trục kết nối vùng.

Cụ thể, Seoul – đô thị thông minh hàng đầu thế giới, được TS. Lực đánh giá là hình mẫu về quản trị đô thị số. Thành phố này không chỉ ứng dụng AI, IoT và dữ liệu lớn để điều phối giao thông, dịch vụ công mà còn tiên phong mở hơn 8.000 bộ dữ liệu công khai cho người dân và doanh nghiệp sử dụng.

"TP.HCM hoàn toàn có thể học Seoul ở tinh thần chính quyền mở, vận hành theo thời gian thực và tăng cường sự tham gia của công dân vào quản lý đô thị", ông Lực nhấn mạnh.

Với Thượng Hải, bài học đáng giá nhất theo TS. Lực là mô hình đô thị cảng toàn cầu kết hợp đa trung tâm, điển hình như khu Pudong phát triển mạnh mẽ nhờ chính sách đặc khu, logistics hiện đại và sự hội tụ các tập đoàn toàn cầu.

Thượng Hải hiện sở hữu mạng metro lớn nhất thế giới, các cảng nước sâu nhộn nhịp, 2 sân bay quốc tế và trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) dùng AI, 5G, camera thông minh để kiểm soát vận hành.

“TP.HCM cần quy hoạch theo hướng đa trung tâm như Thượng Hải, với các vệ tinh Thủ Đức, Cần Giờ, Tây Bắc Củ Chi... cùng kết nối giao thông, dữ liệu thông minh,” ông đề xuất.

TS. Cấn Văn Lực: TP.HCM cần phát triển thành 'Siêu đô thị đa trung tâm' kết nối vùng như Seoul, Thượng Hải

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: reatimes

TS Cấn Văn Lực cho rằng, TP.HCM nên quan sát thêm mô hình đặc khu sáng tạo của Thâm Quyến (Trung Quốc)– nơi từng là "phòng thí nghiệm chính sách", và hiện là trung tâm công nghệ với sự hiện diện của Huawei, Tencent, ZTE. Thâm Quyến cũng chú trọng chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ.

Mumbai (Ấn Độ) – một đô thị lấn biển mang đến bài học thích nghi không gian và tận dụng địa thế cảng. Tuy nhiên, cả hai thành phố này đều đang đối mặt với các thách thức quen thuộc như ngập lụt, bất bình đẳng đô thị, ô nhiễm môi trường, là những điều TP.HCM cần lường trước trong quá trình phát triển.

Phát triển thành siêu đô thị đa trung tâm, kết nối vùng và quốc tế

Với quy mô diện tích và dân số lớn nhất cả nước (2% diện tích, 13,5% dân số), TP.HCM chiếm 23,8% GDP, 22% kim ngạch xuất nhập khẩu, 24,2% vốn FDI và đóng góp tới 33% ngân sách quốc gia. Thành phố cũng đi đầu trong các chính sách đặc thù như Nghị quyết 98, Nghị quyết 222, đồng thời sở hữu lợi thế về công nghiệp, tài chính, logistics, công nghệ cao và du lịch.

“TP.HCM cần xác lập vai trò là siêu đô thị trung tâm kinh tế - công nghệ - đổi mới sáng tạo – logistics – dịch vụ trong vùng và khu vực,” TS. Lực nhận định.

Dù có nền tảng mạnh, TP.HCM vẫn đối mặt với hàng loạt điểm nghẽn cố hữu: Văn hóa điều hành sau sáp nhập còn lúng túng, bộ máy mới thiếu sự phối hợp nhuần nhuyễn; Quy hoạch không gian và triển khai chính sách còn chậm; Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, giải ngân đầu tư công chậm, thủ tục hành chính phức tạp; Chất lượng sống và bất bình đẳng đô thị còn là vấn đề lớn, đặc biệt trong nhà ở xã hội, giao thông, không gian xanh.

TS. Lực kiến nghị TP.HCM cần kiên quyết phát triển theo hướng siêu đô thị đa trung tâm. Quy hoạch tổng thể đến 2050 cần dựa vào nền tảng này, với các trục đô thị vệ tinh và kết nối vùng Đông Nam Bộ – ĐBSCL.

Song song, thành phố cần đẩy mạnh hạ tầng thông minh, nổi bật với Metro, cao tốc liên vùng, sân bay Long Thành, cảng biển Cát Lái – Cái Mép; Ứng dụng AI, Big Data, IoT trong điều hành đô thị; Phát triển kinh tế xanh và số, thúc đẩy 4 trụ cột: Tài chính – công nghệ cao – du lịch/kết nối – chế biến chế tạo; Mở rộng nhà ở xã hội, nâng cao phúc lợi và giáo dục, y tế công; Thu hút đầu tư đa dạng, như PPP, trái phiếu đô thị, quỹ hưu trí, thị trường vốn và tín chỉ carbon.

Cuối cùng, TS. Lực nhấn mạnh: “TP.HCM không thể vươn lên nếu không liên kết vùng và hợp tác quốc tế”. Việc tăng cường chia sẻ dữ liệu, chuẩn hóa hệ thống vận hành, xây dựng cơ chế phối hợp liên tỉnh và học hỏi các mô hình như Seoul, Singapore, Thượng Hải sẽ là điều kiện tiên quyết.