Để hiện thực hóa khát vọng trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội XIII, Việt Nam bắt buộc phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục, ổn định và bền vững trong những thập kỷ tới. Mục tiêu tăng trưởng hai con số không chỉ là tham vọng mà là đòi hỏi cấp thiết để thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường nội lực, xây dựng nền kinh tế tự chủ và nâng cao vị thế quốc tế.
Nêu quan điểm tại Hội thảo khoa học quốc gia "Giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới", ngày 7/5, TS. Vũ Thành Tự Anh, (Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright), nhấn mạnh, chuyển hóa cơ cấu là then chốt để đạt tăng trưởng cao, với 3 trụ cột nền tảng là thể chế dung hợp, kinh tế thị trường và nhà nước kiến tạo. Ông đặc biệt lưu ý đến Nghị quyết 68, trong đó xác định kinh tế tư nhân là trung tâm và động lực quan trọng nhất của sự phát triển quốc gia.
Theo Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp hơn 42% GDP, tạo ra hơn 85% việc làm mới hàng năm, và có hơn 98% số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế. Tuy nhiên, khu vực này vẫn gặp nhiều rào cản về thể chế, tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường, cho thấy vai trò điều phối và hỗ trợ của Nhà nước kiến tạo là không thể thiếu.
![]() |
Để kinh tế tư nhân phát huy vai trò trung tâm, cần song song xây dựng một Nhà nước kiến tạo và phát triển. |
Từ đó, TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh, để kinh tế tư nhân phát huy vai trò trung tâm, cần song song xây dựng một Nhà nước kiến tạo và phát triển. Do đó, việc tái định vị vai trò của doanh nghiệp tư nhân đòi hỏi phải đặt lại vai trò trung tâm của bộ máy chính sách và đội ngũ công chức, đồng thời tăng cường năng lực nhà nước để quản lý hiệu quả nền kinh tế ngày càng phức tạp.
"Cần phát triển "năng lực động" cho Nhà nước, tức là khả năng học hỏi, thử nghiệm, thích nghi và hợp tác linh hoạt giữa các bộ ngành, lĩnh vực và cấp chính quyền, nhằm ứng phó hiệu quả với một môi trường kinh tế biến đổi nhanh chóng và phức tạp", TS. Vũ Thành Tự Anh đề xuất.
Ông dẫn chứng, Hàn Quốc sau chiến tranh đã xây dựng một Nhà nước kiến tạo với năng lực học hỏi cao, đặc biệt trong việc thử nghiệm chính sách công nghiệp, hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân như Samsung, Hyundai...Trong khi đó, Singapore cũng là hình mẫu tiêu biểu về năng lực hành chính hiệu quả khi Chính phủ nước này dành ngân sách đào tạo công chức hàng năm chiếm khoảng 4–5% ngân sách Chính phủ.
Đồng thời ông cũng làm rõ năng lực động qua 3 cấp độ: năng lực nhà nước (tính chính danh và cam kết chính trị cao), năng lực chính sách (nhất quán trong thiết kế, phối hợp hiệu quả, linh hoạt trong thực thi), và năng lực hành chính (chuyên nghiệp, chủ động, có khả năng điều chỉnh linh hoạt).
TS. Vũ Thành Tự Anh nhận định rằng, nếu thiếu các năng lực then chốt, các chính sách và cải cách dù tham vọng cũng dễ bị phân mảnh, ngắn hạn, hoặc bị chi phối bởi các nhóm lợi ích. Ông nhấn mạnh, đội ngũ công chức không chỉ cần năng lực chuyên môn, mà còn phải dấn thân, liêm chính và tự hào khi được đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Ông cũng cho rằng, trong bối cảnh thế giới đầy biến động, việc điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ phải luôn đi kèm với năng lực quản lý rủi ro vĩ mô. Ví dụ, trong năm 2023, việc thận trọng trong điều chỉnh lãi suất, kiểm soát tỷ giá, và điều tiết thị trường bất động sản của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã giúp Việt Nam tránh được các cú sốc tài chính, dù tăng trưởng bị ảnh hưởng.
“Một chiếc xe muốn đi thật nhanh, điều quan trọng chưa chắc đã là ga, mà quan trọng hơn có khi là phanh – có cái phanh tốt mới tự tin để nhấn ga", ông ví von.