![]() |
Đặt chân tới cửa hàng "Vua dép lốp" bên cạnh Bảo tàng Hồ Chí Minh (phố Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội), tôi ngỡ như bước vào một không gian nơi ký ức và hiện tại giao hòa. Những đôi dép cao su giản dị gắn liền với Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bao người lính năm xưa vẫn hiện diện đầy trân trọng. Ngay bên cạnh, những mẫu dép lốp hiện đại, đa dạng về màu sắc và kiểu dáng, như một sự tiếp nối sáng tạo, đưa hơi thở mới vào biểu tượng lịch sử.
Và giữa không gian đặc biệt ấy, anh Nguyễn Tiến Cường – biệt danh “Cường Phò Mã” – hiện diện như một người giữ lửa của ký ức. Không chỉ điều hành cửa hàng, anh sẵn sàng trò chuyện say sưa với bất kỳ ai dừng chân ghé thăm, như muốn lan tỏa tình yêu, niềm tự hào và sự trân trọng dành cho biểu tượng giản dị mà thiêng liêng đã gắn liền với bao thăng trầm của đất nước.

Tôi hỏi anh, với chút tò mò: Anh đã từng bán sạch cơ hội của một kỹ sư IT để đổi lấy hành trình gìn giữ một phần ký ức dân tộc. Anh có cảm thấy mình đang mang trên vai một trọng trách lịch sử? Anh chỉ cười: “Tôi không dám nói là gánh vác lịch sử, nhưng nhiều lúc, tiếng vọng quá khứ vang lên rất rõ...”. Mỗi lần kể lại câu chuyện về đôi dép lốp cho các bác cựu chiến binh, hay du khách nước ngoài, và thấy trong ánh mắt họ sự xúc động lặng thầm, anh hiểu rằng: Đó là lời nhắn nhủ để mình không được phép bỏ cuộc.
“Đôi lúc, tôi cũng thấy mệt mỏi và áp lực, nhất là khi phải xoay xở trong một thị trường đầy thử thách. Nhưng chính những khoảnh khắc đó lại nhắc tôi nhớ: Đây không chỉ là một sản phẩm, mà là một sứ mệnh. Và sứ mệnh thì không dễ dàng, nhưng đủ ý nghĩa để mình sống hết mình vì nó”, anh Cường chia sẻ.


Nghe anh chia sẻ, tôi cảm nhận sâu sắc những trăn trở và quyết tâm phi thường của anh trên hành trình bén duyên với nghề làm dép lốp. Cái thuận lợi mà nhiều người nghĩ đến hóa ra lại là một chướng ngại lớn về mặt tinh thần, khi phải đối diện với sự hoài nghi của chính người thân yêu nhất - bố vợ anh, một nghệ nhân cả đời gắn bó với nghề, bằng tuổi đời đằng đẵng, đã nhìn thấy những nhọc nhằn, những giới hạn của nghề mà không muốn con rể mình phải nếm trải.
"Rất nhiều người nghĩ rằng tôi gặp thuận lợi khi có người cha vợ là nghệ nhân làm dép truyền lại nghề, thế nhưng hành trình để học nghề lại vô cùng khó khăn, bởi bố vợ tôi không tin vào tương lai của nghề, cả đời ông làm dép giỏi cũng chỉ đủ sống, lo lắng tôi bỏ lỡ sự nghiệp ổn định trong ngành IT, và cả những định kiến về sự không tương thích giữa kỹ sư công nghệ và công việc chân tay. Thêm vào đó, các dụng cụ, vật liệu làm dép rất khó tìm và kì công như dao cắt lốp, đục, rút, dũi… đều là hàng thửa riêng không phải có tiền là mua được, cuối cùng là tình trạng sức khỏe và tâm lý muốn "gác kiếm" của bố vợ, đã tạo nên một xuất phát điểm đầy thách thức cho đam mê của tôi", anh Cường chia sẻ.
Nhớ về những ngày đầu học nghề, anh Cường không giấu nổi nụ cười tinh nghịch. Anh kể về bí mật với bộ đồ nghề quý hơn vàng của bố vợ, chỉ dám "canh me" lúc vắng nhà để lén tập tành, lòng đầy thấp thỏm sợ to chuyện nếu làm hỏng. Thậm chí, anh còn lân la phụ giúp chỉ để bí mật ghi lại quy trình. Cuối cùng, chính sự đam mê cháy bỏng đã lay động người cha vợ, mở ra con đường truyền nghề đầy ý nghĩa.
Đứng bên cạnh anh, tận mắt chứng kiến đôi bàn tay thoăn thoắt múa trên những chiếc lốp xù xì, tôi mới thực sự thấu hiểu cái hồn mà anh đã kỳ công và tâm huyết thổi vào từng sản phẩm. Anh Cường say sưa giới thiệu về quy trình làm dép lốp: "Để làm ra một đôi dép lốp, trải qua nhiều công đoạn công phu lắm em ạ”. Công đoạn sơ chế gồm cắt lốp thành từng phần, sau đó bạt miếng lốp dầy 1cm để làm đế dép, bạt mỏng 2mm để làm quai dép. Công đoạn tinh gồm: Khoanh đế dép theo từng size, khoét, dũi đế dép cho nhẹ và chống trơn, đục đế dép, cắt quai, rút quai dép vào đế để hoàn thành 1 đôi dép…

"Trong các công đoạn trên thì công đoạn nào cũng khó đòi hỏi phải làm lâu năm. Tuy nhiên để làm ra 1 đôi đạt chuẩn Vua Dép Lốp thì công đoạn tra quai dép vào đế là kỹ thuật cao nhất, đòi hỏi quai phải được cắt uốn theo mu bàn chân, đục đế dép phải nghiêng và chính xác. Bất kì nhát đục nào sai sẽ làm cho đôi dép không ôm chân phải bỏ”, anh Cường trải lòng.
Rồi giọng anh chợt tươi lên khi nhắc đến công đoạn khoanh dép. Anh bảo, dù không phải là công đoạn khó nhất, nhưng việc người thợ khoanh ngọt tấm cao su dày 3cm thành hình dáng chiếc dép lại là khoảnh khắc thị giác đầy thú vị, khiến người xem không khỏi thích thú. Anh cũng tiết lộ, trung bình mất khoảng 2 tiếng để hoàn thành một đôi dép lốp, thời gian này có thể thay đổi tùy thuộc vào độ phức tạp của thiết kế, ví dụ như số lượng quai dép.
Giữa thị trường dép lốp trăm hoa đua nở, khi tôi hỏi về "tuyên ngôn" khẳng định vị thế, anh Cường không ngần ngại nhắc đến những bản sao nhạt nhòa. Giọng anh đanh lại: "Nhái thì vẫn cứ là nhái, không bao giờ có được cái tâm của người làm thật. Khách nào mà đã đi dép của mình rồi thì chỉ cần nhìn thôi là biết ngay đâu là hàng thật giá trị, đâu là hàng nhái cho có. Từ miếng lốp chọn lựa kỹ càng, đường cắt dứt khoát, đến từng mũi chỉ chuẩn mực, tất cả đều là linh hồn của Vua Dép Lốp. Họ làm ẩu, cốt cho xong, nên đôi dép nó dại hơn hẳn. Cái công mình bỏ ra, cái hồn mình thổi vào đôi dép, nó khác biệt lắm”.
Nhưng con đường chinh phục thị trường không hề bằng phẳng. Khó khăn đầu vào là giờ không còn ai làm nghề này ở Hà Nội, mà nếu làm ra sản phẩm thì rất kén khách mua. Đa số họ đều nói: "Giờ ai còn đi dép cao su nữa". Lời nói ấy, dù chân thật, không khỏi khiến trái tim anh chùng xuống. Nhưng ngọn lửa đam mê trong anh không dễ dàng lụi tắt.
"Tôi dặn lòng không được bỏ cuộc. Hà Nội không còn thợ lành nghề thì mình đi tìm ở các tỉnh. Thợ có nghề rồi nhưng làm chưa đẹp thì mình nhờ bố vợ chỉ bảo lại. Gom họ về, lập xưởng, tôi bao tiêu hết sản phẩm. Rồi lại tìm thêm và đào tạo thợ trẻ ở Hà Nội có tình yêu với dép lốp để bổ sung. Đầu ra khó thì mình xoay, liên tục đổi mẫu mã, rồi lại tìm kênh bán mới, đủ mọi cách. Mấy năm trời ròng rã, cuối cùng mình cũng xây được quy trình sản xuất chuẩn chỉnh, rồi cả cái cách để phát triển sản phẩm trong nhiều năm”, anh Cường cho hay.

Bằng cách chuyên tâm vào “chấn hưng” dép lốp để phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại, chiều lòng cả đối tượng khách hàng kỹ tính. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, Vua dép lốp bán được 50 đến 90 ngàn đôi. Doanh thu này dù chưa gây tiếng vang nếu so sánh với quy mô những ngành nghề thủ công mỹ nghệ khác, nhưng lại là cả giấc mơ mà anh Cường không dám nghĩ tới.
Ánh mắt anh Cường rạng ngời khi chia sẻ về "đế chế" dép lốp nhỏ bé của mình: Hiện chúng tôi có 4 xưởng sản xuất, 20 thợ, và những đôi dép mang đủ cung bậc giá trị, từ bình dân với mức giá dao động 120 nghìn đến 1,5 triệu đồng, cho tới những mẫu “hàng thửa” độc bản có giá lên đến vài triệu đồng. Mỗi đôi dép không chỉ là một vật dụng, mà còn là một nốt nhạc tươi vui, một lời thì thầm về sự hồi sinh đầy sức sống của một biểu tượng.

Anh Cường chia sẻ: Vì không có ngân sách lớn như các thương hiệu quốc tế, nên lựa chọn cách làm “du kích” – tức là chạm đúng trái tim người thật, việc thật. Với bạn bè quốc tế, anh muốn đôi dép trở thành một biểu tượng văn hóa sống động, một sản phẩm thủ công mang hơi thở lịch sử, kết tinh từ lốp xe thời chiến và bàn tay người thợ Việt. Nó không chỉ để đi, mà để kể chuyện, về một dân tộc nhỏ bé mà gan lì, gai góc, biết biến khó khăn thành sức mạnh. Tôi mong thế hệ trẻ hôm nay, khi xỏ chân vào một đôi dép lốp, sẽ cảm nhận được tinh thần ấy. Rằng dù không còn lửa đạn, mỗi người vẫn đang sống trong những “cuộc chiến” riêng – học tập, lập nghiệp, làm chủ tương lai, và cần sự kiên trì như cha ông đã có.
"Đó là kết hợp giữa câu chuyện – thiết kế – và trải nghiệm. Mỗi đôi dép đều có mã QR để khách quét xem câu chuyện đằng sau. Tôi cũng tổ chức workshop làm dép, để mọi người tự tay tạo ra sản phẩm mang dấu ấn riêng. Và hơn hết, tôi luôn cố gắng giữ sự chân thật, vì chính cái thật ấy là thứ truyền lửa mạnh mẽ nhất", anh Cường nói.
Đầu tiên là những chiến lược marketing tâm đắc, tập trung vào trải nghiệm và câu chuyện: Tại điểm bán, du khách được tận tay thử dép, nghe kể về hành trình từ lốp xe chiến tranh đến đôi dép hiện đại. Chúng tôi tổ chức mini workshop – nơi khách tự thay quai dép, gắn mảnh cao su nghệ thuật để tạo dấu ấn cá nhân. Điều này khiến họ ghi nhớ sâu sắc hơn bất kỳ tờ rơi quảng cáo nào.
Tận dụng sức mạnh mạng xã hội: Nhiều khách nước ngoài check-in với dép lốp kèm câu chuyện ngắn trên Instagram, TikTok, YouTube… Những clip ấy lan tỏa theo cách tự nhiên nhưng mạnh mẽ. Chúng tôi cũng thường tặng miễn phí một số đôi dép cho influencer du lịch có tâm, họ lan tỏa bằng sự yêu mến thực sự.
Hợp tác thông minh: Chúng tôi tìm cách liên kết với các bảo tàng, tổ chức du lịch, trường học để kể chuyện dép lốp như một phần của lịch sử Việt Nam. Khi sản phẩm gắn với không gian văn hóa, sức lan tỏa sẽ bền vững hơn. Tôi luôn tin rằng, câu chuyện có thật, cảm xúc thật sẽ lan truyền nhanh hơn quảng cáo. Và đôi dép lốp, dù giản dị, lại có sức mạnh truyền tải tinh thần Việt Nam rất chân thành và thuyết phục.
"Khi một đôi dép lốp đến tay du khách không chỉ với vai trò là món quà lưu niệm, mà kèm theo câu chuyện lịch sử và tinh thần Việt Nam, thì đó chính là một dạng “xuất khẩu mềm” – xuất khẩu giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc thông qua một sản phẩm rất đời thường, nhưng lại mang chiều sâu đặc biệt", anh Cường nhận định.


Anh Cường trầm ngâm chia sẻ, giọng anh mang theo cả sự trăn trở và quyết tâm: "Em biết đấy, cái khó nhất bây giờ không phải là chuyện sống chết của cái nghề này nữa. Mình đã vực nó dậy được rồi. Cái khó thật sự, cái mà ngày nào anh cũng nghĩ đến, là làm sao tìm được cái nguyên liệu nó "khôn" hơn, để đôi dép lốp mình làm ra nó nhẹ hơn, êm hơn, không bị phai đen mà vẫn giữ được bản sắc và cách làm dép lốp truyền thống. Đấy mới là cái nan giải nhất".
Chia sẻ về quy trình làm dép lốp hiện nay, anh Cường chậm rãi nói: cái gốc của nó vẫn là cái cách cha ông mình làm ngày xưa. Với những đôi dép đơn lẻ loại đặc biệt như lốp máy bay thì quy trình làm 100% bằng tay vẫn hoàn toàn theo cách truyền thống không có máy móc nào hỗ trợ được. Nhưng mà thời buổi này rồi, mình cũng phải thay đổi. Cái gì nhanh hơn, đều hơn thì mình dùng máy móc hỗ trợ.
"Như công đoạn cắt lốp, ngày xưa cứ cưa tay mỏi nhừ, giờ có máy cắt rồi, nhàn lắm. Rồi mấy cái dép mà nhiều quai, bán chạy, mình cũng phải dùng máy dập cho nhanh, đều. Chứ cứ ngồi cắt từng cái bằng tay thì bao giờ mới kịp hàng cho khách", anh phân bua.
Khi tôi đặt câu hỏi, nếu được "số hóa" di sản này thành một tác phẩm nghệ thuật đương đại, anh sẽ thiết kế nó như thế nào để vừa giữ được "DNA" (hồn cốt) lịch sử, vừa "bắt kịp trend" (xu hướng) của thế giới hiện đại? ánh mắt anh Cường sáng lên một niềm đam mê và đầy ắp những ý tưởng táo bạo, anh nói, sẽ chọn cách kết hợp giữa công nghệ, thời trang và ký ức lịch sử, để tạo nên một trải nghiệm đa giác quan, khiến người trẻ cảm thấy hứng thú, còn người lớn thì thấy xúc động.
"Tôi hình dung một tác phẩm sắp đặt tương tác – nơi đôi dép lốp không chỉ hiện diện như một vật thể, mà còn là cánh cổng dẫn đến ký ức. Mỗi đôi dép sẽ được tích hợp mã QR, khi quét vào sẽ hiện lên câu chuyện lịch sử gắn liền với nó: từ hình ảnh Bác Hồ, người lính Trường Sơn, đến hành trình hồi sinh thủ công của gia đình tôi hôm nay. Từng chiếc quai dép được tạo hình bằng vật liệu tái chế nhưng nhuộm màu hiện đại, để thể hiện tinh thần bền vững – một “trend” đang lan rộng toàn cầu.

Ngoài ra, tôi muốn thử nghiệm việc đưa dép lốp vào vũ trụ ảo (metaverse), nơi bạn có thể mang đôi dép lốp trong game, trên avatar 3D, hoặc sưu tầm phiên bản NFT. Đó là cách giới trẻ tiếp cận di sản không qua bảo tàng, mà qua điện thoại, tai nghe VR, mạng xã hội. Và chính ở đó, văn hóa Việt Nam có thể hiện diện một cách sống động và hợp thời hơn bao giờ hết.
Tôi không muốn “đóng khung” dép lốp trong quá khứ. Tôi muốn nó tiếp tục bước đi, có khi bằng cả chân trần, "chân số hóa", nhưng luôn giữ vững cái hồn Việt Nam giản dị và kiêu hãnh", anh Cường quả quyết.

Bằng sự bền bỉ và độc đáo, những đôi dép lốp "made in Vietnam" đã lặng lẽ in dấu chân trên bản đồ thế giới, hiện diện tại 60 quốc gia với một "bộ sưu tập" phong phú hơn 100 mẫu mã. Anh Cường đầy tự tin khẳng định, thị trường quốc tế chính là "trận địa" ưu tiên trong chiến lược kinh doanh của mình, nơi anh tin tưởng vào cơ hội bứt phá doanh số khi chinh phục thành công những khách hàng "khó tính” như Nhật Bản, Pháp, Đức, Trung Quốc.

Thế nhưng, khi nghe câu hỏi về "dấu ấn" cá nhân trong lịch sử đôi dép lốp, anh Cường không hề nghĩ đến những danh xưng hào nhoáng. Thay vào đó, anh nhìn nhận "Vua Dép Lốp" như một tác phẩm nghệ thuật mà anh là người kiến tạo. Và cái "nguyên liệu" làm nên tác phẩm ấy, theo anh, không chỉ là thứ cao su đen sần sùi, mà còn là ý chí, đam mê, sự can đảm từ bỏ để bắt đầu, và cả những lần thất bại đã dạy anh cách đứng lên đúng hướng.
"Tôi không mưu cầu tên mình được khắc to trong lịch sử dép lốp Việt Nam. Điều tôi mong là khi nhắc đến hành trình này, người ta nhớ đến một thế hệ trẻ dám đi ngược dòng, dám xem di sản là tương lai chứ không phải quá khứ, để dép lốp không chỉ sống lại, mà còn vươn xa. Tôi không làm để người ta biết tôi là ai. Tôi làm để thế giới biết dép lốp Việt Nam “lợi hại” như thế nào", anh nói.
Khẳng định, áo dài, nón lá là những biểu tượng mềm mại của vẻ đẹp Việt Nam, còn dép lốp là biểu tượng cứng cỏi của ý chí Việt Nam. Anh Cường ví von: Nếu nón lá che nắng, áo dài tôn dáng, thì dép lốp lại bảo vệ đôi chân Việt Nam băng rừng, vượt núi, chiến thắng bom đạn. Đó là lý do tôi tin rằng dép lốp xứng đáng đứng ngang hàng với những biểu tượng ấy – không chỉ vì hình dáng, mà vì chất tinh thần nó mang theo.
"Ước mơ của tôi không dừng ở việc kinh doanh. Tôi mong Vua Dép Lốp sẽ trở thành một phần trong hành trang văn hóa Việt, được mang theo trong những chuyến đi quốc tế, xuất hiện trong tuần lễ di sản, trong các bộ sưu tập thời trang đương đại, thậm chí là trên sàn diễn Paris hay Tokyo. Xa hơn nữa, tôi khao khát cùng cộng đồng và các nhà nghiên cứu làm hồ sơ để đề xuất dép lốp trở thành di sản văn hóa phi vật thể, bởi đó không chỉ là một sản phẩm, mà là câu chuyện của cả một dân tộc. Dép lốp lại được làm từ vật liệu tái chế vì môi trường thì tôi tin UNESCO sẽ lắng nghe", anh Cường kỳ vọng.


Thay vì dùng đòn bẩy tài chính, hay sự hùn vốn từ bạn bè, anh Cường chia sẻ rằng nguồn lực lớn nhất của anh đến từ một "ngân hàng" đặc biệt - ngân hàng của những cảm xúc. Nơi đó gửi gắm trọn vẹn niềm tin của người cha vợ, một nghệ nhân cả đời tận tâm với nghề dép lốp. Nơi đó lưu giữ ánh mắt đầy tò mò và thích thú của du khách quốc tế khi lần đầu tiên cầm trên tay một biểu tượng giản dị mà độc đáo của Việt Nam. Và sâu sắc hơn cả, nơi đó chứa đựng những dòng tin nhắn chân thành của những người trẻ tuổi, những người đã nhìn thấy cả một “Việt Nam thu nhỏ” trong đôi dép lốp mộc mạc. Chính những "khoản đầu tư" tinh thần vô giá ấy đang tiếp thêm sức mạnh cho anh mỗi ngày trên hành trình gìn giữ và phát triển di sản này.
"Hạnh phúc với tôi là được làm công việc mình yêu thích mỗi ngày, giản dị với đôi dép cao su. Điều đặc biệt là khi gặp những người mang dép cao su khác trên đường, tôi cảm thấy rất vui. Thậm chí, có những khách hàng mua dép của tôi, thay vì cám ơn họ, thì họ lại gọi điện thoại hoặc nhắn tin cảm ơn tôi vì đã theo đuổi một nghề ý nghĩa. Nhiều cuộc gọi kéo dài ba, bốn mươi phút từ các cô, các bác ở tỉnh xa bày tỏ sự bất ngờ và vui mừng khi biết đôi dép cao su vẫn còn tồn tại. Việc tôi làm ra những đôi dép này khiến họ nhớ lại một thời đã qua và tìm mua để gợi nhớ kỷ niệm", anh Cường khẽ nói, giọng anh trầm xuống, mang theo cả sự chân thành và niềm đam mê giản dị.
Anh trần tình: Tôi có 2 cô con gái vẫn giúp tôi mảng thiết kế, marketing, nhưng tôi không ép con cái sau này phải theo nghề này, cái này tùy duyên. Tôi vẫn nói với con, tài sản lớn nhất của bố chính là câu chuyện, và điều đó không ai lấy đi được.
Với các bạn trẻ muốn khởi nghiệp bằng đam mê và di sản, tôi khuyên đừng bắt đầu bằng tiền, hãy bắt đầu bằng câu hỏi: "Mình có gì không ai thay thế được?" Nếu câu trả lời là đam mê thật sự, thì hãy dùng chính đam mê đó để thu hút người đồng hành, kêu gọi sự ủng hộ, từng chút một. Di sản là vàng. Nhưng vàng nằm trong đất, phải đào lên bằng kiên nhẫn, tử tế và sức bền. Vốn không chỉ là tiền, vốn là thời gian, là trải nghiệm, là lòng tin mà bạn tạo dựng từng ngày.

