Ông Nguyễn Hữu Đường còn có tên gọi khác là Đường Bia. Ông Đường được biết đến như người đầu tiên thành lập công ty tư nhân sản xuất bia tại Hà Nội. Hiện, ông Đường làm Chủ tịch HĐQT Công ty Hòa Bình.

Người đầu tiên sản xuất Malt tại Việt Nam

Sau 5 năm phục vụ trong quân đội, năm 1979 ông Đường trở về với đời thường. Ngay sau khi lấy vợ, năm 1981 ông bắt đầu sự nghiệp với công việc của một người đạp xích lô làm việc tại HTX vận chuyển bia.

Từng phải đạp xích lô để mưu sinh, đại gia Đường bia đã kiếm tiền như thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Đường vốn xuất thân là một người lính.

Ông Đường làm việc tại đây cho đến năm 1989. Trong quá trình đạp xich lô, ông Đường được giao phụ trách một tổ vận chuyển khoảng 10 người chuyên chở bia cho các cơ quan. Trong những năm chở bia ông kiếm được số tiền cũng kha khá vì khi đó bia là của hiếm và lại được trả công bằng bia.

“Có ngày đi làm kiếm được bằng 1 tháng lương kỹ sư”, ông Đường nói. Đến khi nhà nước cho phát triển nhiều thành phần kinh tế được sản xuất bia thì ông Đường mạnh dạn đứng ra thành lập Tổ hợp thương binh nặng Hoà Bình vào năm 1987.

Lúc đầu Tổ hợp của ông sản xuất bia hơi và trở thành nhà máy thứ 2 sản xuất bia hơi sau Công ty Bia Hà Nội. Năm 1993, ông Đường thành lập Công ty TNHH thương binh nặng Hoà Bình. Đến năm 1998 doanh nghiệp được xuất nhập khẩu trực tiếp và ông Đường bắt đầu nhập khẩu Malt (hạt đại mạch nẩy mầm đã qua chế biến, nguyên liệu sản xuất bia) để cung cấp cho các nhà máy bia.

Sau đó, nhận thấy nhiều công ty nước ngoài bán Malt kém chất lượng vào Việt Nam nên ông quyết định đầu tư 250 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất Malt bia đầu tiên ở Đông Nam Á năm 2002. Tuy nhiên, làm Malt không có lợi nhuận vì cạnh tranh rất mạnh với nhiều nhà cung cấp Châu Âu, Châu Úc. Đây là quyết định cực kỳ rủi ro vì ngay cả nhà máy bia Hà Nội, Sài Gòn cũng không làm Malt vì không có lãi.

“Khi nhà máy của tôi ra đời lại bị nước ngoài bán phá giá, 3 năm liền thua lỗ cả triệu đô la mỗi năm. Lúc đầu tôi định làm 2 nhà máy, một tại Hà Nội, một tại Sài Gòn nhưng sau đó chỉ triển khai được 1 nhà máy tại Hà Nội. Tôi làm vậy vì buộc nhà cung cấp Malt nước ngoài phải tôn trọng người tiêu dùng Việt Nam”, ông Đường tâm sự.

Ngoài làm bia, làm Malt, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường còn tham gia vào lĩnh vực sản xuất thép không gỉ, nước giải khát. Giờ đây, ông lấn sân vào lĩnh vực bất động sản, làm khách sạn nghỉ dưỡng.

Có sở thích "dát vàng mọi thứ"

Đại gia Đường bia là ông chủ của nhiều chung cư cao cấp, dự án đình đám tại Hà Nội, Đà Nẵng. Chính nhờ dát vàng mà các bất động sản của do ông Đường đầu tư nổi như cồn và căn hộ, khách sạn dát vàng đã trở thành thương hiệu riêng của vị đại gia này.

Đầu tiên, ông gây bất ngờ với giới kinh doanh bất động sản khi dát vàng thành lan can căn hộ, phào chỉ sảnh đón của toà nhà đầu tiên thuộc dự án Hoà Bình Green City tại 505 Minh Khai, Hà Nội.

Toà nhà tiếp theo, ông mạ vàng cả những chi tiết kim loại trong nhà vệ sinh như vòi hoa sen, nút ấn, thanh treo. Đến toàn nhà Danang Golden Bay, còn chơi trội hơn khi dát vàng cả bồn rửa mặt, bồn cầu và bồn tắm. Thậm chí, bể bơi vô cực trên nóc toà nhà 27 tầng nhìn ra vịnh Đà Nẵng cũng lát bằng gạch dát vàng.

Đáng chú ý phải kể đến Dolce by Wyndham – HaNoi Golden Lake - khách sạn dát vàng ròng 9999 đầu tiên trên thế giới của Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD (hơn 2.400 tỷ đồng), được xây dựng trong hơn 12 tháng và chính thức khai trương ngày 02/07/2020.

Từng phải đạp xích lô để mưu sinh, đại gia Đường bia đã kiếm tiền như thế nào?
Khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham – HaNoi Golden Lake.

Khách sạn Dolce by Wyndham – HaNoi Golden Lake được dát vàng ròng 9999 đầu tiên trên thế giới. Không chỉ 120.000m2 mặt ngoài công trình được ốp gạch phủ vàng mà các chi tiết lan can, chỉ, phào, cột cũng đều được dát vàng 9999.

Không gian nội thất các tầng dịch vụ và sảnh khách sạn cùng các trang thiết bị nhà vệ sinh như bồn tắm, chậu rửa mặt đến vòi hoa sen, giá treo khăn, bồn vệ sinh… cho đến công tắc điện mạ vàng; dụng cụ ăn uống đều dát vàng; bể bơi vô cực bốn mùa trên mái nhà rộng 225 m2 với tầm nhìn toàn cảnh ngắm Thủ đô; khu vực tắm tráng ngoài trời cạnh bể bơi cũng sử dụng gạch, vòi nước và kệ cũng được dát vàng.

Năm 2022, ông Đường tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội với dự án tại quận Hoàng Mai. Đáng chú ý, dù là nhà ở xã hội mức giá thấp, căn hộ vẫn có chi tiết dát vàng. Theo công bố, căn hộ thiết kế hợp lý và bàn giao nội thất cơ bản trần sàn, thiết bị vệ sinh có điểm nhấn dát vàng, cùng hệ thống thiết bị thang máy, việt liệu xây dựng, kết cấu xây dựng độ bền trăm năm.

Sẵn sàng hiến tặng 90% tài sản

Từng phải đạp xích lô để mưu sinh, đại gia Đường bia đã kiếm tiền như thế nào?

Là đại gia tiền nhiều vô kể nhưng trong cuộc sống, ông Đường lại là người giản dị, ăn trưa cũng ăn cùng mọi người trong công ty, đồ dùng kiểu cách đơn giản, phòng làm việc của ông 30 năm nay vẫn chỉ có mười mấy m2. Mỗi khi làm việc với đối tác nước ngoài, ông phải thuê phòng làm việc khác để tiếp khách.

Năm 2020, ông từng chia sẻ với báo chí khi nào nghỉ kinh doanh sẽ giao lại sự nghiệp cho con trai và trích lại 50% tài sản cho Quỹ khắc phục hậu quả chiến tranh và giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Theo Báo Dân Việt, chỉ 1 năm sau tuyên bố trên, ông Đường đã quyết định hiến tặng lại 90% tài sản, một con số rất lớn.

Sau bàn làm việc của ông Đường treo một tấm biển nền đỏ, chữ vàng: “Hãy làm điều mình ước muốn cho người khác”. Ông luôn có gắng làm thật nhiều việc cho đồng đội, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.