Cao su, vốn được gọi là "vàng trắng" của nông nghiệp và là một loại cây trồng chủ lực phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, giá giảm sâu trong nhiều năm qua đã khiến diện tích trồng thu hẹp, nông dân chuyển đổi cây trồng khác. Hệ quả, Việt Nam phải tăng nhập khẩu nguyên liệu này trong hai năm gần đây.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Cục Hải quan, nhập khẩu cao su về Việt Nam trong tháng 6 đạt hơn 154.000 tấn với trị giá hơn 240 triệu USD, tăng 6,2% về lượng nhưng giảm 1,1% về trị giá so với tháng 5. Lũy kế trong nửa đầu năm 2025 nước ta đã mua hơn 838.000 tấn cao su, trị giá hơn 1,4 tỷ USD, tăng 6,6% về lượng và tăng mạnh 20,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.

Xét về thị trường, Campuchia đang là nhà cung cấp cao su lớn nhất của Việt Nam với hơn 309 nghìn tấn, trị giá hơn 424 triệu USD, giảm nhẹ 3% về lượng nhưng tăng 16% về trị giá so với 6 tháng năm 2024. Giá nhập khẩu bình quân đạt 1.374 USD/tấn, tăng 20% so với nửa đầu năm 2024.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn xuất khẩu đáng kể, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Thống kê từ Cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2025, hơn 485.000 tấn cao su được xuất sang Trung Quốc, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chiếm khoảng 70% tổng lượng xuất khẩu.

Việt Nam hiện đứng thứ ba thế giới về giá trị xuất khẩu cao su, sau Thái Lan và Indonesia, với diện tích trồng khoảng 930.000 ha và sản lượng latex đạt 1,3 triệu tấn năm 2024. Trong khi đó, Thái Lan, nhà sản xuất lớn nhất thế giới, chiếm gần 35% sản lượng toàn cầu, xuất khẩu sang Trung Quốc tới hơn 4,6 tỷ USD cao su vào năm 2024.

‘Vàng trắng’ Campuchia đổ bộ về Việt Nam
Việt Nam tăng nhập khẩu cao su từ Campuchia (Ảnh minh họa)

Bên cạnh sản lượng lớn, xứ chùa Vàng còn tập trung tăng năng suất cây trồng từ 224 kg/rai lên 360 kg/rai và đẩy mạnh chế biến sâu, nhằm nâng kim ngạch xuất khẩu lên 25,2 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chủ yếu cung cấp nguyên liệu thô với tỷ trọng giá trị gia tăng thấp.

Dù vậy, năm 2025 vẫn có cơ hội khi nhu cầu từ Trung Quốc hồi phục, giá cao giữ ổn định và thị trường châu Á bền vững. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), dù phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia song Việt Nam vẫn duy trì sức cạnh tranh nhờ chuỗi giá trị đồng bộ, khả năng cung ứng ổn định và chất lượng ngày càng được cải thiện.

Năm 2025, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt hơn 11 tỷ USD. Trong đó, cao su thiên nhiên đạt khoảng 3,5 tỷ USD; các sản phẩm cao su đạt khoảng 5 tỷ USD và gỗ cao su đạt khoảng 2,5 tỷ USD.