Từ 1/9, Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng đã bắt đầu có hiệu lực.

Trong đó, có quy định đang được dư luận quan tâm là các tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống. Như vậy, các khách hàng đang vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống như mua nhà, mua ô tô... sẽ có cơ hội thụ hưởng ưu đãi từ chính sách mới trên.

Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, đại diện Sacombank lưu ý khách hàng việc chuyển dư nợ vay sang tổ chức tín dụng khác không đồng nghĩa với việc kéo dài thời hạn cho vay so với hợp đồng vay ban đầu và đó phải là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Theo khảo sát, hiện có 3 ngân hàng là Vietcombank, BIDV và VietinBank công bố thông tin liên quan đến chính sách trên; trong đó ngoài yếu tố lãi suất thì đều nhấn mạnh thời gian cho vay tối đa từ 30 - 35 năm tùy từng ngân hàng và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.

Mức cho vay để trả nợ trước hạn tại 3 ngân hàng trên đều lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác và khách hàng được ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng nhưng không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay.

Theo giới chuyên gia, chính sách mới sẽ tạo điều kiện cho khách hàng được chọn lựa ngân hàng vay vốn nhưng cũng gia tăng áp lực lên các ngân hàng phải nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh về lãi suất để vừa thu hút khách hàng mới lại vừa giữ chân được khách hàng cũ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý khách hàng về "phí phạt" khi trả nợ trước hạn. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người vay cần đọc kỹ hợp đồng và thỏa thuận cụ thể với ngân hàng khi vay ngân hàng khác để trả nợ trước hạn để tránh thiệt thòi.