Ngày 2/4/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký Sắc lệnh áp đặt thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nước và khu vực thuế quan vào Hoa Kỳ. Trong Sắc lệnh này, Việt Nam thuộc nhóm nước phải chịu mức thuế đối ứng riêng cao nhất (lên tới 46%).

Đảng và Nhà nước ta đã ngay lập tức có những bước đi chủ động, tích cực và sáng tạo để phản ứng trước chính sách thuế quan này của Hoa Kỳ. Đồng thời ngày 9/4/2025, Hoa Kỳ cũng tuyên bố tạm hoãn các mức thuế riêng này 90 ngày với hầu hết các đối tác để mở đường cho các cuộc đàm phán song phương.

VCCI đưa ra nhiều kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp trước nguy cơ bị áp thuế từ Mỹ
Ngày 2/4/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký Sắc lệnh áp đặt thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nước và khu vực thuế quan vào Hoa Kỳ. Ảnh: Internet

Mặc dù vậy, nguy cơ về thuế đối ứng ở thị trường Hoa Kỳ vẫn rất phức tạp và khó lường, dẫn tới những rủi ro và thách thức lớn cho xuất nhập khẩu nói riêng và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Tại hội thảo “Thuế Đối ứng của Hoa Kỳ & Ứng phó của Doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra vào ngày 18/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu tác động đặc biệt lớn về khả năng cạnh tranh, thị phần, chuỗi cung ứng… bởi thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm tỷ trọng đáng kể trong hầu hết các ngành xuất khẩu trọng điểm, thậm chí giữ vai trò áp đảo ở một số ngành dù kim ngạch xuất khẩu chưa thực sự lớn.

Đáng chú ý, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam không nằm trong diện được miễn trừ thuế đối ứng, trong khi nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong khu vực lại đang được hưởng mức thuế thấp hơn.

Trước bối cảnh này, VCCI đã đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả:

- Đối với các đơn hàng hiện có: Doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ diễn biến chính sách, đồng thời chủ động phối hợp, đàm phán với đối tác nhập khẩu để tìm phương án phù hợp. Việc tận dụng tối đa thời gian tạm hoãn thuế để đẩy nhanh tiến độ giao hàng là rất cần thiết.

- Từng bước điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu: Doanh nghiệp nên chủ động đa dạng hóa thị trường, mở rộng sang các quốc gia đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng từ thị trường nội địa.

- Từng bước cải cách và đổi mới mô hình sản xuất - kinh doanh: Cần chú trọng cải thiện chuỗi cung ứng, gia tăng giá trị trong toàn bộ chuỗi sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến mô hình phát triển bền vững và thích ứng với các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.