Chương trình cải cách “Đổi Mới 2.0” được VinaCapital ví như một cuộc đại phẫu thể chế, nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ dựa vào lao động giá rẻ và xuất khẩu.

Theo ông Michael Kokalari – Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital – trong báo cáo “Đổi mới 2.0 mở ra kỷ nguyên mới cho Việt Nam” công bố ngày 28/4/2025, “đây không chỉ là một nỗ lực hành chính đơn thuần mà còn là đòn bẩy chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên hiệu quả quản trị, khả năng giải ngân đầu tư công nhanh và tiết kiệm chi tiêu thường xuyên”.

Áp lực ngân sách là động cơ lớn: chi phí vận hành bộ máy nhà nước hiện chiếm khoảng 60% tổng chi ngân sách, buộc Chính phủ phải dồn nguồn lực cho các lĩnh vực tạo tăng trưởng như hạ tầng, công nghệ và khu vực tư nhân. Sự kiện này được xem là phép thử quyết tâm cải cách, đồng thời là thời điểm vàng để tái cấu trúc dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Việt Nam dự kiến giảm 29 tỉnh, xóa 70% xã/phường: ‘Cá mập’ VinaCapital sẽ xoay trục chiến lược ra sao?
Ông Michael Kokalari – Giám đốc Phân tích Kinh tế Vĩ mô và Nghiên cứu Thị trường, VinaCapital. Nguồn ảnh: VinaCapital.

Bộ máy tinh gọn, đầu tư bứt tốc

Theo báo cáo, quy mô cải cách lần này là chưa từng có tiền lệ. Số tỉnh, thành trực thuộc trung ương sẽ giảm từ 63 xuống còn 34, tương đương với việc xóa bỏ 29 tỉnh. Đồng thời, toàn bộ 696 đơn vị hành chính cấp quận/huyện sẽ bị giải thể, trong khi hơn 70% trong số 10.035 xã/phường hiện có sẽ được sáp nhập. Kế hoạch này sẽ chính thức hoàn tất vào ngày 15/9/2025, theo đúng lộ trình được Trung ương Đảng thông qua tại Hội nghị lần thứ 11 ngày 12/4/2025.

Việt Nam dự kiến giảm 29 tỉnh, xóa 70% xã/phường: ‘Cá mập’ VinaCapital sẽ xoay trục chiến lược ra sao?
Lộ trình sáp nhập hành chính trong chương trình Đổi Mới 2.0. Nguồn: Nikkei, VinaCapital.

Ở cấp trung ương, Chính phủ dự kiến cắt giảm 5 bộ cùng khoảng 950 bộ phận hành chính, đồng thời tinh gọn Ủy ban Quốc hội từ 10 xuống 8 ủy ban. Về phía các tổ chức thuộc Đảng, ít nhất 45 cơ quan sẽ bị giải thể, cùng với khoảng 180 cơ quan báo chí, truyền hình cũng sẽ được sáp nhập hoặc bãi bỏ. Trên toàn hệ thống, mục tiêu cắt giảm biên chế là 100.000 công chức trong năm 2025, và tiếp tục giảm thêm 700.000 vị trí nữa cho đến năm 2030.

Việt Nam dự kiến giảm 29 tỉnh, xóa 70% xã/phường: ‘Cá mập’ VinaCapital sẽ xoay trục chiến lược ra sao?
Toàn cảnh chương trình Đổi Mới 2.0: Cắt giảm sâu bộ máy hành chính Việt Nam. Nguồn: Nikkei, VinaCapital.

Theo ông Michael Kokalari, việc tái tổ chức chính quyền địa phương từ ba cấp xuống hai cấp (tỉnh/thành – xã/phường) không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách mà còn rút ngắn chu kỳ phê duyệt, đơn giản hóa thủ tục và tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh xuất khẩu sang Mỹ dự báo chậm lại do các rào cản thương mại mới, buộc nền kinh tế phải tái cân bằng sang động lực tăng trưởng nội địa.

Đất đai, hạ tầng và dữ liệu: Ba trụ cột đầu tư mới

Cũng theo ông Michael Kokalari, “Đổi Mới 2.0 mở ra thời điểm vàng để thúc đẩy đầu tư hạ tầng” bởi khi bộ máy hành chính được tinh gọn, chi phí vận hành giảm và quy hoạch vùng sẽ được triển khai hiệu quả hơn. Đây là điều kiện tiên quyết cho các ngành có tính lan tỏa mạnh như bất động sản, vật liệu xây dựng, logistics và năng lượng phát triển.

Một trong những ví dụ cụ thể là kế hoạch hợp nhất TP. Hồ Chí Minh với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Nếu được thực hiện, khu vực hợp nhất này sẽ có dân số hơn 13 triệu người và diện tích khoảng 6.800 km² – đủ lớn để áp dụng mô hình phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (Transit-Oriented Development - TOD), từng giúp Nhật Bản chuyển mình giai đoạn 1960–1970. Việc tập trung đầu tư vào các khu vực đô thị lớn sẽ giúp tạo ra các cực tăng trưởng mới, thúc đẩy phân bổ lại dân cư, lao động và nguồn lực đầu tư.

Song song với cải cách hành chính, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia đã được thành lập đầu năm 2025 – tạo nền tảng cho chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Theo báo cáo, VinaCapital đang tăng tốc đầu tư vào các ngành có tốc độ tăng trưởng cao như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và dữ liệu lớn. Việc hợp tác cùng các đối tác quốc tế nhằm xây dựng trung tâm dữ liệu đạt chuẩn khu vực tại Việt Nam đang được xem là một trong những mũi nhọn chiến lược của quỹ đầu tư này.

Tái cấu trúc chiến lược: Dòng vốn xoay trục về nội địa

Ông Michael Kokalari nhận định rằng cải cách Đổi Mới 2.0 “không chỉ giúp giảm chi tiêu thường xuyên mà còn tạo ra một môi trường đầu tư linh hoạt và minh bạch hơn”. Khi quy trình phê duyệt đầu tư được rút ngắn và thủ tục giải ngân vốn trở nên đơn giản, hiệu quả, đây sẽ là cú hích lớn cho hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đang bị đình trệ do vướng mắc thể chế.

Cũng vì thế, chiến lược đầu tư của VinaCapital đang được cơ cấu lại, ưu tiên các lĩnh vực có mối liên hệ mật thiết với chuỗi hạ tầng và tài chính. Ngành ngân hàng được xem là bệ đỡ vốn trung hạn cho các dự án này, nhất là trong bối cảnh chuyển dịch đầu tư sang nội địa đang diễn ra mạnh mẽ để bù đắp cho áp lực giảm tốc từ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa và công nghệ số được VinaCapital đánh giá là hai trụ cột tăng trưởng bổ sung. Việc gần một nửa số tỉnh bị giải thể và 70% đơn vị cấp xã/phường bị sáp nhập tạo điều kiện cho bộ máy hành chính trở nên thân thiện hơn với doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy niềm tin thị trường và hoạt động sản xuất – kinh doanh trong nước.

Ông Michael Kokalari khẳng định: “Cải cách Đổi Mới 2.0 không đơn thuần là tinh giản bộ máy – mà là bước ngoặt chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam sang một giai đoạn mới, nơi tốc độ, hiệu quả và công nghệ là tiêu chuẩn cốt lõi”. Với các nhà đầu tư tổ chức như VinaCapital, đây chính là cơ hội chiến lược để tái cấu trúc danh mục đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực có khả năng dẫn dắt tăng trưởng dài hạn như hạ tầng, dữ liệu, công nghệ và tài chính.