![]() |
Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt 200.000 nhân lực công nghệ thông tin. Ảnh minh hoạ |
Hiện cả nước có khoảng 74.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, với tổng số lao động hơn 1,2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, con số này có thể tăng lên 3 triệu, khi nền kinh tế số được kỳ vọng đạt giá trị 74 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là điểm nghẽn lớn nhất, dù đây là lĩnh vực có mức thu nhập tương đối hấp dẫn.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực là khoảng cách giữa nội dung đào tạo trong nhà trường và yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Mỗi năm, các trường đại học, cao đẳng đào tạo khoảng 50.000 sinh viên ngành CNTT, nhưng chỉ khoảng 30% có thể làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Phần lớn còn lại cần được đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu công việc.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Phát triển (Đại học Sư phạm, ĐHQG Hà Nội) cho rằng: “Giữa kiến thức học được trong trường và yêu cầu công việc thực tế vẫn tồn tại một khoảng cách rất lớn. Chương trình đào tạo hiện nay chưa bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ và kỳ vọng từ doanh nghiệp”.
Nguyễn Tiến Anh, cựu sinh viên ngành CNTT của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, chia sẻ dù tốt nghiệp loại khá, anh vẫn gặp khó khăn khi xin việc do thiếu kinh nghiệm thực tế. “Các công ty thường yêu cầu ứng viên có từ 1-2 năm kinh nghiệm, trong khi chương trình học thiên về lý thuyết, kỹ năng thực hành còn khá hạn chế”, Tiến Anh cho biết.
Để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo hàn lâm và thực tế công việc, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã chủ động phối hợp với các trường đại học tổ chức các chương trình tư vấn nghề nghiệp, thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp. Những mô hình này không chỉ giúp sinh viên sớm làm quen với môi trường làm việc thực tế, mà còn giúp doanh nghiệp phát hiện, tuyển chọn và đào tạo đội ngũ nhân sự phù hợp.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà cũng nhấn mạnh, việc định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin cần được thực hiện từ sớm, giúp sinh viên có sự chuẩn bị đầy đủ trước khi gia nhập thị trường lao động ngày càng cạnh tranh khốc liệt. “Chúng ta cần rà soát lại chương trình đào tạo để đảm bảo nội dung học gắn với yêu cầu thực tiễn, tránh để sinh viên rơi vào tình trạng học xong không biết làm gì”, ông nói.
Trong nhiều năm, Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ nhờ lợi thế về nguồn lao động trẻ và chi phí nhân công thấp. Tuy nhiên, bước vào kỷ nguyên số, lợi thế đó dần mai một. Ngành CNTT đang chuyển dịch sang yêu cầu nhân sự có trình độ chuyên môn sâu, tư duy đổi mới và khả năng thích ứng nhanh với công nghệ mới.
Trên phạm vi toàn cầu, ngành công nghiệp CNTT được dự báo sẽ đạt quy mô 2.000 tỷ USD vào năm 2028, với khoảng 100 triệu lao động tham gia. Trong bối cảnh đó, nhân lực không chỉ là lợi thế cạnh tranh, mà còn là yếu tố sống còn quyết định năng lực tham gia của Việt Nam vào cuộc đua công nghệ toàn cầu.
Các chuyên gia khẳng định, nếu muốn tận dụng được cơ hội này, hệ thống đào tạo trong nước cần có sự đổi mới toàn diện từ nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, cho đến mô hình hợp tác doanh nghiệp và nhà trường, nhằm đảm bảo sinh viên sau tốt nghiệp có thể bắt nhịp ngay với công việc và thích ứng với xu thế chuyển đổi số không ngừng biến đổi.