Trước những biến động lớn của thị trường dầu mỏ toàn cầu, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã chủ động đánh giá và chế biến thử nghiệm thành công hai loại dầu thô mới là Murban (UAE) và Cooper Basin (Australia).
Nhờ đó, tổng số loại dầu thô ngoại nhập có thể chế biến tại Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất tăng lên 25, giúp nâng cao tính linh hoạt trong lựa chọn nguyên liệu và tối ưu hiệu quả vận hành.
Ban đầu, NMLD Dung Quất được thiết kế để vận hành hoàn toàn với dầu thô Bạch Hổ hoặc pha trộn 85% Bạch Hổ và 15% dầu Dubai. Tuy nhiên, sản lượng tại mỏ Bạch Hổ đang suy giảm mạnh, do vậy nhu cầu tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế nhằm duy trì hoạt động ổn định và công suất cao cho nhà máy ngày càng trở nên cấp thiết. Trong bối cảnh đó, Ban Nghiên cứu phát triển (NCPT) cùng các đơn vị liên quan của Lọc hoá dầu Bình Sơn đã phối hợp tìm kiếm, đánh giá và lựa chọn các nguồn dầu thô thay thế để đưa vào sản xuất thử nghiệm.
Việc nghiên cứu, đánh giá và chế biến thử nghiệm thành công hai loại dầu mới là một phần của chương trình tổng thể về đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số do công ty triển khai.
![]() |
Hiện NMLD Dung Quất đang vận hành ở 118% công suất thiết kế. Nguồn: PVN |
Dầu Murban – loại dầu xuất khẩu chủ lực của UAE – đã được Lọc hoá dầu Bình Sơn đưa vào thử nghiệm từ ngày 10-20/12/2024, với tỷ lệ chế biến đạt đến 8%, tùy theo hàm lượng lưu huỳnh và loại dầu phối trộn.
Dầu thô Murban có hàm lượng lưu huỳnh lên đến khoảng 0,8% khối lượng - cao nhất trong số các loại dầu từng được chế biến tại đây, trong khi dầu Bạch Hổ chỉ khoảng 0,05%. Điều này mở ra cơ hội mới trong việc chế biến các loại dầu thô có đặc tính khác biệt, đồng thời cho thấy khả năng linh hoạt của NMLD Dung Quất trong việc xử lý các loại dầu có chất lượng khác biệt.
Trong khi đó, dầu Cooper Basin có nguồn gốc từ Australia, được Lọc hoá dầu Bình Sơn triển khai thử nghiệm từ ngày 10-18/6/2025, với tỷ lệ chế biến lên đến 30% tổng nguyên liệu tại Phân xưởng chưng cất dầu thô (CDU). Công suất vận hành đạt mức 114-116% thiết kế, tùy thuộc vào chất lượng dầu phối trộn.
Kết quả thử nghiệm cho thấy cả hai loại dầu này đều là nguồn nguyên liệu tiềm năng, có thể được sử dụng lâu dài, nâng tổng số dầu thô nguyên liệu có thể chế biến tại nhà máy lên 35 loại.
Thành công trong việc mở rộng danh mục nguyên liệu chế biến không chỉ giúp tăng khả năng tự chủ về nguồn dầu mà còn nâng cao tính linh hoạt trong việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.
Hiện nay, Lọc hoá dầu Bình Sơn đang vận hành phân xưởng CDU ở mức tối ưu, đạt 118% công suất thiết kế, đồng thời khai thác hiệu quả các phân xưởng công nghệ khác, góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất toàn hệ thống. Trong tháng 7/2025, công ty dự kiến sẽ thử nghiệm thêm dầu thô Escravos (Nigeria) và tiếp tục đánh giá, đưa vào thử nghiệm thêm 1–2 loại dầu mới từ nay đến cuối năm.
Việc chế biến thành công các loại dầu thô mới góp phần đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, nâng cao hiệu quả vận hành và tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm. Lọc hoá dầu Bình Sơn cho biết, sẽ tiếp tục điều chỉnh linh hoạt quy trình sản xuất theo biến động cung – cầu thị trường nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất được xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, có tên dự án là “Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất”, do Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) – làm chủ đầu tư.
PetroVietnam đã ký hợp đồng xây dựng chính của dự án với tổ hợp nhà thầu Technip, gồm các thành viên: Technip (Pháp), Technip (Malaysia), JGC (Nhật Bản) và Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha). Đây được đánh giá là công trình quy mô lớn bậc nhất cả nước, với khối lượng thi công khổng lồ, được ví như một công trình của thế kỷ.