Chương trình OCOP – viết tắt của “One Commune One Product” – là sáng kiến phát triển kinh tế nông thôn dựa trên lợi thế so sánh địa phương, khơi dậy giá trị văn hóa vùng miền, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc và nhu cầu thị trường. Sau nhiều năm triển khai, OCOP đã giúp hàng nghìn sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ và thực phẩm địa phương “thay da đổi thịt”, góp mặt trên kệ hàng quốc tế.
Tính đến cuối năm 2024, cả nước đã có hơn 14.600 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, thuộc về hơn 8.000 chủ thể sản xuất. Trong đó, 79 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia, phản ánh nỗ lực chuyển đổi mô hình sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang chuỗi giá trị bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Tiếp nối thành công trong nước, Việt Nam quyết định chia sẻ kinh nghiệm OCOP ra thế giới thông qua Diễn đàn cấp cao trao đổi kinh nghiệm phát triển chương trình OCOP, dự kiến tổ chức vào ngày 16/7. Đây là sự kiện quy mô cấp bộ trưởng, do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức, với sự tham gia của hơn 14 bộ trưởng nông nghiệp từ các quốc gia châu Phi.
![]() |
Chương trình OCOP là sáng kiến phát triển kinh tế nông thôn dựa trên lợi thế so sánh địa phương. Ảnh minh họa |
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), diễn đàn sẽ xoay quanh ba chủ đề lớn: chia sẻ kinh nghiệm triển khai OCOP tại Việt Nam; thảo luận cấp bộ trưởng về vai trò của OCOP trong chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và thực phẩm theo hướng bền vững, có khả năng chống chịu và cuối cùng là đối thoại về tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sáng kiến đổi mới trong sản xuất nông nghiệp.
Phiên thảo luận thứ hai được kỳ vọng sẽ mở ra không gian kết nối sâu sắc, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và nâng cao chất lượng dinh dưỡng của các sản phẩm đặc sản bản địa tại cả hai khu vực.
Ngoài các phiên họp chính thức, sự kiện còn có các buổi gặp gỡ xã giao giữa lãnh đạo Việt Nam và các bộ trưởng nông nghiệp châu Phi, tạo tiền đề cho các dự án hợp tác song phương trong tương lai.
Một điểm nhấn đáng chú ý là khu vực trưng bày sản phẩm OCOP ngay trong khuôn viên diễn đàn, do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp tổ chức. Các gian hàng sẽ được thiết kế theo phong cách làng nghề truyền thống, nhằm thể hiện đậm nét bản sắc vùng miền và tinh thần sáng tạo của doanh nghiệp Việt. Đây không chỉ là cơ hội quảng bá thương hiệu quốc gia mà còn giúp sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn với thị trường tiềm năng tại châu Phi.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Đối thoại cấp bộ trưởng về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm hay chương trình OCOP là vấn đề chung của khu vực nên diễn đàn sẽ là cơ hội để các quốc gia châu Á và châu Phi học hỏi từ các kinh nghiệm lẫn nhau. Định hướng hiện nay của Bộ Nông nghiệp và Môi trường là tập trung việc hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, bao gồm xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, và ứng dụng khoa học công nghệ”.