Từ đầu năm đến nay, VN-Index tăng khoảng 188 điểm (+14,8%) từ mốc 1.269 lên 1.457. Đồng thuận với diễn biến chung của thị trường, nhiều cổ phiếu trên HoSE đã ghi nhận sự bứt phá ấn tượng.

STT Mã chứng khoán Từ đầu năm
1 GEE 250,2%
2 VIC 150,6%
3 GEX 124,1%
4 HHS 120,4%
5 VHM 115,0%
6 APG 80,1%
7 SBT 71,7%
8 VIX 65,1%
9 VRE 64,5%
10 SHB 61,2%
11 TCH 53,8%
12 DPG 52,5%
13 NVL 48,6%
14 SJS 46,2%
15 VND 45,7%
16 TCB 42,9%
17 HAH 42,0%
18 VCF 41,7%
19 VCG 41,3%
20 VSC 39,5%
21 PDN 39,0%
22 GEG 37,8%
23 DXG 35,8%
24 DXS 34,9%
25 SCR 32,4%
26 HVN 29,5%
27 STB 28,8%
28 EIB 26,4%
29 AST 24,3%
30 EVF 22,5%

Dẫn đầu danh sách là mã GEE của CTCP Điện lực Gelex, vọt lên hơn 250%. Cổ phiếu này có đà tăng trưởng trong bối cảnh doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 608 tỷ đồng, tăng 311% so với cùng kỳ – mức cao nhất theo quý trong lịch sử hoạt động. Lợi nhuận sau thuế đạt 487,4 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Vị trí kế tiếp thuộc về VIC của Vingroup với mức tăng 150%. Theo phân tích kỹ thuật của Chứng khoán An Bình (ABS), cổ phiếu VIC nhiều khả năng đã thiết lập vùng đáy dài hạn vào đầu năm 2025 và hiện đang bước vào pha tăng trung hạn đầu tiên.

Dù vậy, ABS lưu ý cổ phiếu đang trong giai đoạn mở rộng biên độ tăng, chưa hình thành vùng giá mua an toàn cho nhà đầu tư trung hạn. Do đó, chiến lược phù hợp lúc này là theo dõi và chờ đợi nhịp điều chỉnh để giải ngân hiệu quả hơn.

Xếp ở vị trí thứ 3, 4, 5 lần lượt là mã GEX, HHS, VHM với mức tăng lần lượt 124%, 120% và 115%. Riêng với cổ phiếu Vinhomes, DSC đánh giá vùng giá hiện tại vẫn được đánh giá phù hợp để tích lũy dài hạn.

Ngoài 5 cổ phiếu đứng đầu, các mã trong còn lại trong danh sách như SBT, VIX, VRE, SHB, TCH, DPG, NVL, EVF cũng đều ghi nhận mức tăng trưởng hàng chục %.

Riêng đối với cổ phiếu EVF, dù đã ghi nhận đà tăng tích cực, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng thị giá hiện tại vẫn chưa phản ánh đúng nền tảng cơ bản đang cải thiện, chất lượng tài sản tốt, cũng như triển vọng tăng trưởng vượt trội của doanh nghiệp. Theo đó, PHS khuyến nghị mua EVF với giá mục tiêu 14.400 đồng/cp.

VN-Index nửa cuối năm 2025: Kịch bản và chiến lược giải ngân

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index được dự báo có thể đạt 1.555 điểm với P/E của VN-Index đạt 14,6x và EPS thị trường +12%. Trong kịch bản khả quan, chỉ số có thể đạt 1.663 điểm với kỳ vọng nâng hạng thị trường, các chính sách mạnh mẽ và quyết liệt đẩy mạnh tăng trưởng và các bước tiến ngoại giao tích cực tiếp theo.

VN-Index chinh phục vùng 1.450, hàng chục cổ phiếu sàn HoSE đã tăng 40-250% thị giá
Nguồn: VCBS

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường tại VPBankS nhận định thị trường sẽ tiếp tục tăng và xu hướng đó cho đến nay vẫn chưa thay đổi. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, RSI và một số chỉ báo kỹ thuật đang vào vùng quá mua và có thể xảy ra nhịp điều chỉnh. Tuy nhiên, sau đó thị trường sẽ lấy đà và lên vùng cao mới là 1.500 – 1.550 điểm trong 6 tháng tới.

Đồng quan điểm, ông Tyler Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc cấp cao Nghiên cứu chiến lược thị trường Chứng khoán HSC nhận định: “Các vùng hỗ trợ 1.380, 1.350 và 1.340 điểm có thể là điểm mua bắt đáy mạnh, giúp củng cố vị thế cho giai đoạn tăng giá tiếp theo”.

Bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Trung tâm Phân tích tại ACB bổ sung rằng chu kỳ tăng trưởng mới đến từ dòng tiền ngoại đổ vào sẽ giúp hạn chế đà điều chỉnh và rút ngắn thời gian phục hồi sau mỗi nhịp rung lắc.

Đáng chú ý, mới đây, JP Morgan đã nâng thị trường chứng khoán Việt Nam, cùng với Singapore và Philippines, lên mức "tăng tỷ trọng" (Overweight - OW). Đồng thời, ngân hàng này giữ quan điểm "trung lập" (Neutral) với Indonesia, Malaysia và "giảm tỷ trọng" (Underweight - UW) với Thái Lan.

Riêng với Việt Nam, JP Morgan điều chỉnh dự báo VN-Index lên 1.500 điểm cho kịch bản cơ sở và 1.600 điểm cho kịch bản lạc quan vào cuối năm nay.

JP Morgan nhận định các cải cách gần đây của TTCK Việt đã nâng xác suất được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Market - EM) trong kỳ rà soát tháng 9/2025. Nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể thu hút hơn 500 triệu USD dòng vốn thụ động từ các quỹ toàn cầu, đồng thời cải thiện niềm tin nhà đầu tư.

Theo đó, JP Morgan khuyến nghị nhà đầu tư nên tăng tỷ trọng các nhóm cổ phiếu đại diện cho nhu cầu nội địa, bao gồm ngân hàng, công nghiệp và tiêu dùng không thiết yếu. Những nhóm này được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ việc thúc đẩy chi tiêu công, tiêu dùng và triển vọng phục hồi kinh tế nội địa, giúp giảm thiểu tác động bất lợi từ các biến động xuất khẩu và tình hình bên ngoài.