Sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) cuối tuần trước, từ Mỹ, tâm điểm mới của thị trường tài chính toàn cầu chuyển hướng châu Âu với tín hiệu vỡ nợ của Credit Suisse (Thụy Sĩ) - một trong những ngân hàng lâu đời và có quy mô vào loại lớn nhất thế giới.

Những thông tin về việc cổ đông lớn nhất của Credit Suisse - Ngân hàng Quốc gia Arab Saudi không muốn tăng cổ phần vì lý do pháp lý, cổ phiếu Credit Suisse đã liên tục giảm sâu; thậm chí vốn hóa tại ngày 16/3/2023 giảm mạnh về còn khoảng 8 tỷ USD - thậm chí còn chưa bằng một nửa vốn hóa của Vietcombank (18 tỷ USD) và thấp hơn vốn hóa BIDV (10 tỷ USD).

Chỉ tính riêng 5 tháng trở lại đây, với nhịp hồi đáng kể của cổ phiếu, vốn hóa Vietcombank và BIDV đã tăng thêm 10 tỷ USD và kết phiên 16/3 lần lượt đạt 430.600 tỷ đồng và 234.000 tỷ đồng.

Vốn hóa Credit Suisse chưa bằng nửa Vietcombank, tài sản vẫn lớn hơn 28 ngân hàng Việt Nam cộng lại
Quy mô tổng tài sản (Đvt: Tỷ đồng)
Ghi nhận sau khi lao mạnh 30% trong phiên 15/3 xuống mức thấp kỷ lục là 1,69 USD/cp, cổ phiếu của Credit Suisse đã tăng 19% vào cuối phiên giao dịch 16/3 trước tín hiệu Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) vào cuộc và có khả năng cho Credit Suisse vay gần 54 tỷ USD để củng cố hoạt động.

Dù vốn hóa liên tục sụt giảm mạnh nhưng không thể phủ nhận Credit Suisse vẫn là một trong những nhà băng lớn nhất thế giới với quy mô tài sản lên đến 574 tỷ USD (cuối năm 2022). Con số này lớn hơn gấp đôi tổng giá trị tài sản của 3 ngân hàng lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam là Vietcombank, BIDV và VietinBank cộng lại.

Thêm vào đó, giá trị tài sản quản lý do Credit Suisse chịu trách nhiệm thậm chí còn lên đến 1.700 tỷ USD.

Thế giới hiện nay có khoảng 50 ngân hàng được cho là có tầm quan trọng toàn cầu đối với hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng này được xem là quá lớn để sụp đổ, được yêu cầu phải dành thêm tiền mặt để chống chọi với những cú sốc trong trường hợp thị trường biến động.

Theo Bảng xếp hạng 500 ngân hàng đứng đầu thế giới về giá trị thương hiệu năm 2023 được công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance đã công bố mới đây, Việt Nam có 12 ngân hàng lọt vào bảng Banking 500 Ranking gồm: Vietcombank, Agribank, BIDV, Techcombank, VietinBank, VPBank, MB, SHB, ACB, Sacombank, HDBank và VIB, đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng.

Vốn hóa Credit Suisse chưa bằng nửa Vietcombank, tài sản vẫn lớn hơn 28 ngân hàng Việt Nam cộng lại

Đến cuối năm 2022, 10/28 ngân hàng trên thị trường chứng khoán Việt Nam có quy mô tài sản lớn nhất đang nắm giữ 9,97 triệu tỷ đồng - tương ứng với 77,5% tổng tài sản của nhóm. Trong số này có sự góp mặt của BIDV, Vietcombank, VietinBank, MB, Techcombank, VPBank, ACB, Sacombank, SHB và HDBank.

Trong các ngân hàng này, nhóm ngân hàng quốc doanh BIDV, Vietcombank, VietinBank đã tăng trưởng tổng tài sản tăng từ 18% đến 28% trong khi nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân như Techcombank, MB, ACB, SHB, Sacombank, HDBank ghi nhận tăng tổng tài sản từ 9% đến 15%.

Ở chiều ngược lại, Credit Suisse với vị trí thứ 54 trong Bảng xếp hạng bất chấp vốn hóa đã giảm sâu song quy mô tổng tài sản đến cuối năm 2022 vẫn cao hơn 30 tỷ USD so với tổng tài sản của 28 ngân hàng niêm yết tại Việt Nam (chỉ ở mức hơn 540 tỷ USD).

Sẽ không có sự sụp đổ dây chuyền trong hệ thống tài chính toàn cầu

Giới phân tích đánh giá, tình trạng hoảng loạn xảy ra tại Credit Suisse sau sự sụp đổ của một số ngân hàng tại Mỹ (Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và Silvergate Bank) những ngày qua dù không mới trong ngành tài chính song có nhiều điểm khác biệt với những ngân hàng trên.

Vốn hóa Credit Suisse chưa bằng nửa Vietcombank, tài sản vẫn lớn hơn 28 ngân hàng Việt Nam cộng lại
Chủ tịch Credit Suisse - Axel Lehmann hôm 15/3 cho biết ngân hàng này không cần đến sự trợ giúp của Chính phủ.

Theo đó, kết quả kinh doanh thua lỗ và những vụ bê bối gần đây là nguyên nhân tạo nên làn sóng tháo chạy của khách hàng khỏi doanh nghiệp Thụy Sĩ.

Khách hàng của Credit Suisse, chủ yếu là các cá nhân giàu có hoặc doanh nghiệp thay vì những người dân bình thường đã rút tiền khỏi ngân hàng này trong nhiều tháng qua. Điều này đã dẫn đến việc Credit Suisse mất hơn 120 tỷ USD vốn vào cuối năm 2022.

Vụ việc của Credit Suisse cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về những khoản lỗ tiềm năng trong hoạt động kinh doanh của những ngân hàng khác ở châu Âu. Quá trình sụp đổ của SVB tăng tốc sau khi ngân hàng này phải bán lỗ một lượng lớn trái phiếu.

Theo chuyên gia Cushman & Wakefield, những sự cố về một số nhà băng lớn trên thế giới gần 2 tuần trở lại đây hoàn toàn không phải là sự lặp lại của cuộc đại khủng hoảng tài chính (GFC); bức tranh về một cuộc khủng hoảng vẫn chưa rõ ràng, nhưng việc các cơ quan quản lý đang can thiệp sâu sẽ có khả năng giúp ngăn chặn hậu quả lan rộng.