Cơ quan Phòng vệ Thương mại của Vương quốc Anh (TRA) vừa công bố đề xuất thay đổi quan trọng liên quan đến các biện pháp tự vệ áp dụng với sản phẩm thép nhập khẩu. Trong đó, Việt Nam là một trong số sáu quốc gia đang phát triển bị đề xuất rút khỏi danh sách miễn trừ áp dụng hạn ngạch thuế quan tự vệ, do thị phần nhập khẩu vào Anh đã vượt ngưỡng quy định.
Theo TRA, quyết định rà soát được đưa ra vào ngày 28/2/2025, sau khi cơ quan này nhận thấy có sự thay đổi đáng kể trong lượng thép nhập khẩu từ một số nước đang phát triển. Trong giai đoạn điều tra (từ 1/1-31/12/2024), nhiều quốc gia – trong đó có Việt Nam - đã vượt mức 3% thị phần nhập khẩu thép vào Anh, ngưỡng tối đa để được hưởng miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ.
Cùng với Việt Nam, các quốc gia gồm Trung Quốc, Ấn Độ, UAE, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong danh sách bị đề xuất rút miễn trừ.
TRA cho biết, trong thời gian qua, hạn ngạch của nhiều nhóm sản phẩm thép đã được sử dụng gần như hoàn toàn – thậm chí đã cạn kiệt trong ít nhất một quý với các nhóm như 5, 16, 17, 21. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ thép tại Anh và trên toàn cầu cũng thay đổi mạnh, làm gia tăng áp lực lên ngành sản xuất thép trong nước. Điều này được coi là "thay đổi hoàn cảnh" đủ điều kiện để Anh điều chỉnh lại hạn ngạch và cơ chế phân bổ.
Theo bảng phân bổ mới được đề xuất, một số nhóm sản phẩm thép từ Việt Nam sẽ bị điều chỉnh hạn ngạch như sau:
![]() |
Một số nhóm sản phẩm thép từ Việt Nam bị Anh điều chỉnh hạn ngạch |
Bên cạnh việc thay đổi phân bổ hạn ngạch, TRA cũng đề xuất áp dụng thêm các quy định kiểm soát chặt hơn, bao gồm: Hạn ngạch không được chuyển tiếp sang quý sau nếu chưa sử dụng hết; các nước có hạn ngạch riêng không được dùng phần hạn ngạch dư trong quý cuối cùng.
Ngoài ra, từ ngày 1/10/2025, Anh sẽ áp trần đối với hạn ngạch còn dư tại một số nhóm như sau: Nhóm 4 (tối đa 40%); Nhóm 7 (tối đa 40%); Nhóm 13 (tối đa 40%).
Nếu đề xuất được thông qua, đây sẽ là bước lùi về mặt ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm thép Việt Nam tại thị trường Anh. Việc bị áp hạn ngạch đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có nguy cơ chịu thuế cao nếu xuất khẩu vượt mức cho phép, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí và năng lực cạnh tranh.
Các doanh nghiệp ngành thép được khuyến nghị theo sát diễn biến từ cơ quan chức năng, chủ động điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu, tìm kiếm thị trường thay thế hoặc cân đối sản lượng phù hợp với hạn ngạch mới để tránh phát sinh rủi ro thương mại.