Xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỳ tích
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, bất chấp những biến động khó lường của nền kinh tế toàn cầu, bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Theo số liệu do Bộ công bố, trong nửa đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 33,84 tỷ USD, tương đương tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều mặt hàng chủ lực như cà phê, thủy sản và gỗ duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra triển vọng khả quan cho nửa cuối năm.
Cụ thể, trong các nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản, Việt Nam có 3 mặt hàng đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD - chiếm hơn 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành - bao gồm: Cà phê; thủy sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Trong đó, xuất khẩu cà phê, mặt hàng vốn được coi là “vàng nâu” của Việt Nam, là điểm sáng rực rỡ nhất với kim ngạch đạt gần 5,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2025, đánh dấu cột mốc chưa từng có của ngành cà phê Việt Nam.
![]() |
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2025 - Nguồn: Tác giả tổng hợp |
Cụ thể, ước tính riêng tháng 6, khối lượng cà phê xuất khẩu đạt 130.000 tấn, tương đương trị giá 741,1 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt kim ngạch kỷ lục cao nhất từ trước đến nay - 5,47 tỷ USD - tương đương tăng tới 67,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, tổng khối lượng xuất khẩu cà phê đạt 953.900 tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê đã tiệm cận mốc 5,48 tỷ USD của cả năm 2024, cho thấy sự phục hồi ấn tượng của xuất khẩu cà phê Việt Nam trong bối cảnh giá cả biến động và áp lực cạnh tranh gia tăng.
Bên cạnh sự bứt phá mạnh mẽ của xuất khẩu cà phê, ngành thủy sản - từng đối mặt với nhiều khó khăn vào năm trước - cũng có cú lội ngược dòng với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 5,1 tỷ USD, tăng gần 17%. Nhiều thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Brazil đều tăng nhu cầu nhập khẩu, cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ ràng sau thời gian suy giảm. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng 53,7%, Mỹ tăng 22,8%, Nhật Bản tăng 9,1%. Đặc biệt, mức tăng cao nhất ghi nhận tại Brazil với 71,3%.
Nhóm mặt hàng thứ ba đạt được kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 5 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ, với tổng kim ngạch đạt 8,21 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này đến từ cả thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản và từ các thị trường ngách như Tây Ban Nha, nơi mức tăng lên tới 55%.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu tỷ USD
Bên cạnh các mặt hàng chủ lực, Việt Nam còn thu về 3,05 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả, tương ứng giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2024. Lượng và giá trị xuất khẩu gạo đạt lần lượt 4,9 triệu tấn và 2,54 tỷ USD, dù tăng 7,6% về lượng nhưng lại giảm 12,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Hạt điều và cao su là các mặt tiếp theo có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD, đạt lần lượt 2,36 tỷ USD và 1,27 tỷ USD, tương đương tăng 20,4% và 14,4% so với cùng kỳ.
![]() |
Giá xuất khẩu trung bình nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2025 - Nguồn: Tác giả tổng hợp |
Ngoài ra, Việt Nam còn thu về 859 triệu USD từ xuất khẩu hạt tiêu (tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước); sắn và sản phẩm từ sắn với 711 triệu USD (tăng 12,8%); chè với 97,9 triệu USD (giảm 7,5%); sản phẩm chăn nuôi đạt 264 triệu USD (tăng 10,1%)...
Về giá xuất khẩu trung bình, gạo giảm sâu 18,4% so với nửa đầu năm 2024, xuống còn 517,5 USD/tấn; chè giảm 0,1% xuống 1.675 USD/tấn; sắn, sản phẩm từ sắn giảm 33,1%, đạt 304,1 USD/tấn.
Ở chiều ngược lại, giá xuất khẩu cà phê trung bình tăng tới 59,1% so với cùng kỳ năm trước lên 5.708 USD/tấn; giá xuất khẩu hạt tiêu cũng tăng 54,8% lên 6.881 USD/tấn; cao su tăng 22,4% lên 1.864 USD/tấn…
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Không chỉ tăng về lượng, thị trường tiêu thụ hàng nông sản Việt cũng đang ngày càng rộng mở. Bên cạnh thị trường chủ lực châu Á (chiếm 42% tỷ trọng về giá trị), nông sản Việt Nam đã thâm nhập mạnh vào các thị trường tiềm năng như châu Phi, châu Mỹ, Trung Đông và châu Mỹ Latin.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang châu Âu tăng tới 46,3%; châu Mỹ tăng 18,6%; còn khu vực châu Phi ghi nhận mức tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường châu Á duy trì ổn định với mức tăng 2,3%.
![]() |
Cơ cấu xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2025 - Nguồn: Tác giả tổng hợp |
Sự đa dạng hóa thị trường không chỉ giúp giảm phụ thuộc vào một số đối tác lớn mà còn góp phần ổn định xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu và chính sách nhập khẩu tại nhiều quốc gia thay đổi liên tục.
Xét thị trường riêng lẻ, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam khi chiếm 21,1% tỷ trọng; theo sau là Trung Quốc với 17,6% và Nhật Bản với 7,2%. Riêng 3 thị trường chủ lực này đã chiếm tỷ trọng khoảng 46% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm sang Mỹ tăng 16%, Trung Quốc giảm 0,7% và Nhật Bản tăng 25,5%.