Phiên giao dịch ngày 22/9 khép lại với việc VN-Index mất gần 20 điểm (-1,62%) và lui về mức 1.193. Tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn phiên này đạt hơn 37.300 tỷ đồng - tương ứng 1,67 tỷ cổ phiếu đã được sang tay.

Chứng sĩ trải qua tuần giao dịch nhiều mất mát với việc VN-Index giảm 4/5 phiên - tương ứng mất 34 điểm (-2,77%). Đây cũng là tuần giảm thứ 2 liên tiếp của chỉ số kể từ thời điểm chạm mốc 1.250 trong phiên 11/9.

1 công ty chứng khoán lớn sẽ hạ margin nhiều cổ phiếu trong tuần tới?

Đánh giá về những biến động của thị trường, ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích đầu tư FIDT cho rằng, thị trường đang bị tác động bởi 4 vấn đề.

Thứ nhất - tin tức về việc NHNN phát hành T-Bill hút 10.000 tỷ đồng tiền về: Động thái này được nhận định hoàn toàn có thể lặp lại trong bối cảnh thanh khoản thị trường dư thừa và áp lực tỷ giá đang hiện hữu. Việc này sẽ tác động mạnh lên tâm lý thị trường khiến không ít nhà đầu tư lo ngại về các động thái siết chặt tiền tệ.

Thứ hai - thông tin về việc các công ty chứng khoán hạn chế hay hạ margin cuối quý 3: Thị trường chứng khoán xuất hiện nguồn tin cho rằng 1 công ty chứng khoán có thị phần lớn sẽ hạ margin nhiều cổ phiếu, có hiệu lực thứ 4 tuần sau (27/9). Thông tin này ngay lập tức tác động mạnh lên tâm lý thị trường và dòng tiền ngắn hạn. Minh chứng là việc VN-Index mở gap giảm mạnh ngay đầu phiên 22/9.

Thứ ba - áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại (sau đợt mua ròng rất mạnh vùng đáy) kết hợp xu hướng tiền ngoại rút một phần khỏi các nước đang phát triển.

Tính đến 21/9, khối ngoại đã bán ròng hơn 6.200 tỷ đồng khỏi thị trường chứng khoán Việt so với đầu năm; áp lực bán tập trung từ tháng 8 khi VN-Index gặp cản 1.250 điểm (kết tuần 18 - 22/9, khối ngoại có tuần bán ròng tuần thứ 6 liên tiếp với giá trị gần 1.700 tỷ đồng).

Thứ tư - định giá thị trường không còn rẻ: Tuy lãi suất trong nước đang duy trì mức thấp tạo điệu kiện cho dòng tiền dịch chuyển một phần sang kênh đầu tư cổ phiếu, tuy nhiên đà tăng mạnh của thị trường kể từ cuối tháng 4 đến nay đã khiến định giá P/E của VN-Index không còn rẻ. Do đó, thị trường cần điều chỉnh về vùng định giá hấp dẫn hơn để tiếp tục thu hút dòng vốn nội.

"Sự kết hợp các yếu tố trên khiến thị trường bị ảnh hưởng ngắn hạn cả về tâm lý và dòng tiền hỗ trợ thị trường", ông Phương nhận định.

Chuyên gia FIDT dự báo, VN-Index có xác suất cao sẽ điều chỉnh ngắn hạn trong vùng 1.150 - 1.200 để tìm sự cân bằng. Giai đoạn này, nhà đầu tư nên hạn chế trading các vị thế ngắn hạn, không nên để tỷ lệ margin căng, đặc biệt từ đây đến cuối tháng 9. Với các vị thế trung hạn thì giai đoạn hiện nay là giai đoạn tích lũy cổ phiếu, phương pháp phù hợp nên là mua dần, tích lũy vị thế ở các phiên thị trường giảm mạnh phản ứng các yếu tố ngắn hạn và tránh mua đuổi.

Tuần giao dịch tới đây, từ 25 - 29/9, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh trong các phiên kế tiếp vẫn đang có phần chiếm ưu thế.

Tương tự, Chứng khoán SHS đánh giá động thái điều chỉnh và tạo nền có thể còn kéo dài. Công ty nhấn mạnh, động thái điều chỉnh và tạo nền có thể còn kéo dài. Đây là điều cần thiết để thị trường tích lũy nội lực cho nhịp tăng tiếp theo.