Ngày 3/4/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử giao dịch với mức giảm 88 điểm (-6,68%) về 1.229. Cú bán tháo này đã cuốn trôi toàn bộ thành quả của thị trường từ đầu năm chỉ trong một phiên.

Thị trường có 495 mã giảm điểm, 436 mã “xanh lơ” trong khi 71 mã ngược dòng tăng mạnh. Thanh khoản trên HoSE đạt hơn 39.600 tỷ đồng, tương đương hơn 1,7 triệu đơn vị giao dịch.

Theo thống kê từ FiinTrade, có 30 cổ phiếu thủng đáy 1 năm trước áp lực bán tháo mạnh như DGC, CII, BSR, NTL, HPX, GMD, ORS, TTF, VGT, GAS, PVS, PVD...

Phiên giao dịch thảm khốc của chứng khoán Việt diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng tới 46% với Việt Nam. Ông Trump giải thích rằng con số thuế quan ước tính đã tính đến "tất cả thuế quan, rào cản phi tiền tệ và các hình thức gian lận khác". Mức thuế này sẽ có hiệu lực từ 0h01 ngày 9/4 (giờ Mỹ).

30 cổ phiếu thủng đáy trên một năm trong phiên 'bốc hơi' 82 điểm của VN-Index
Cổ phiếu DGC nằm sàn và rơi về vùng đáy 1 năm

Chia sẻ quan điểm trong bối cảnh thị trường rơi mạnh hôm nay, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc SSI Research cho rằng nhà đầu tư nên “giữ tỉnh táo, quản trị vị thế thay vì chạy theo cảm xúc”. Ông Hưng cho rằng nhà đầu tư cần theo dõi sát các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ trong một tuần tới, thay vì quá lo ngại về con số áp thuế hiện tại.

P/E của thị trường hiện tại chỉ bằng khoảng 50% so với giai đoạn chiến tranh thương mại năm 2018, do đó áp lực bán ra được dự báo sẽ không quá lớn. Với các nhà đầu tư dài hạn, đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại các vị thế, thậm chí theo hướng tích cực hơn.

Ông Hưng nhận định, mức thuế hiện tại sẽ khó duy trì trong thời gian dài. Lý do là GDP quý I/2025 của Mỹ đang có nguy cơ tăng trưởng âm rất rõ ràng, trong khi lạm phát ở mức cao, làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.

Trong kịch bản tiêu cực khi mức thuế được giữ lâu dài, Việt Nam sẽ cần đẩy mạnh đầu tư công và nâng cao năng lực nội tại. Nhà đầu tư nên xây dựng danh mục đầu tư đa dạng để hạn chế rủi ro, ưu tiên các nhóm ngành phục vụ thị trường trong nước.