Sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận tạm dừng áp thuế trong 90 ngày, lượng đơn đặt hàng container vận chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ đã bùng nổ, tăng gần 300% chỉ trong vòng một tuần – theo dữ liệu mới nhất từ Vizion, một công ty cung cấp dịch vụ theo dõi container toàn cầu.
Ông Ben Tracy, Phó chủ tịch Vizion, cho biết trong 7 ngày gần nhất, đơn hàng container từ Trung Quốc đến Mỹ đã tăng vọt lên 21.530 TEU (đơn vị tương đương container 20 foot), so với mức 5.709 TEU của tuần trước – tức tăng 277%.
Động thái nới lỏng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ngay lập tức kích hoạt làn sóng “bung hàng” nhằm tranh thủ khung thời gian không bị đánh thuế, tạo cú hích lớn cho ngành logistics quốc tế.
Ngay sau tuyên bố ngày 12/2 của Bắc Kinh về việc tạm dừng phần lớn thuế quan trong 3 tháng, giới phân tích nhanh chóng nhận định: mùa cao điểm vận chuyển hàng hóa bằng đường biển có thể đến sớm hơn thường lệ.
![]() |
Đơn hàng container Trung – Mỹ tăng sốc 277% chỉ trong một tuần. Ảnh minh hoạ |
Freightos – nền tảng đặt hàng vận chuyển toàn cầu – đánh giá: “Nếu thuế quay trở lại sau khi hết hạn 90 ngày, các doanh nghiệp sẽ phải tranh thủ gửi hàng sớm. Điều đó có thể kích hoạt sớm mùa cao điểm vận tải biển trong năm nay.” Lượng đặt hàng xuyên Thái Bình Dương tăng rõ rệt kể từ khi thỏa thuận được công bố. Hapag-Lloyd, hãng vận tải biển hàng đầu của Đức, cũng báo cáo mức tăng 50% đơn hàng từ Trung Quốc sang Mỹ chỉ sau một tuần.
Dù nhu cầu tăng đột biến, giá cước vận tải vẫn giữ mức ổn định, chưa tăng mạnh như các năm trước. Theo Freightos:
• 2.300 USD/FEU (đơn vị container 40 foot) tới Bờ Tây Mỹ
• 3.400 USD/FEU tới Bờ Đông Mỹ
So với cùng kỳ năm ngoái, giá hiện thấp hơn khoảng 30%, phần lớn do đội tàu được mở rộng và cạnh tranh gay gắt giữa các liên minh vận tải. Freightos dự báo, mùa cao điểm năm nay khó có khả năng trở lại mức đỉnh năm ngoái – từng đạt 8.000 USD/FEU (Bờ Tây) và 9.800 USD/FEU (Bờ Đông).
Cơn sốt đơn hàng hiện tại là một cú bật ngắn hạn, nhưng tiềm ẩn rủi ro nếu sau 90 ngày, thuế quan được tái áp dụng. Khi đó, chi phí logistics có thể bị đẩy cao trở lại, trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu chưa kịp “nghỉ thở” sau giai đoạn tăng tốc đột ngột.