Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 3/7, Bộ Tài chính cho biết đã trình Chính phủ cho phép xây dựng, điều chỉnh Nghị quyết số 25/NQ-CP để giao mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 cho 34 địa phương mới được hình thành sau sáp nhập. Đây được xem là một bước đi cần thiết, nhằm duy trì hiệu lực của cơ chế “khoán tăng trưởng” – một trong những công cụ điều hành kinh tế được áp dụng lần đầu từ đầu năm nay.

Theo Bộ Tài chính, trước thời điểm sáp nhập địa giới hành chính (1/7/2025), kết quả thực hiện tăng trưởng GRDP tại các địa phương là khá tích cực. Tính riêng trong quý II/2025, có tới 41 địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn quý I, trong khi chỉ có 19 địa phương tăng trưởng thấp hơn. Cả nước có 30 địa phương đạt mức tăng trưởng trên 8% sau 6 tháng đầu năm, trong đó nhiều nơi vượt 10%.

Tại nhóm các địa phương đầu tàu, kinh tế TP.HCM ghi nhận mức tăng GRDP 6 tháng đạt 7,82% – mức cao nhất kể từ năm 2020. Mặc dù chưa đạt ngưỡng 8,67% theo kịch bản, song kết quả này vẫn được đánh giá là tích cực trong bối cảnh thành phố vừa trải qua quá trình sáp nhập quy mô lớn. Hà Nội cũng có tín hiệu khởi sắc khi GRDP 6 tháng đạt 7,63%, đúng bằng chỉ tiêu đã được giao đầu năm. Các địa phương khác như Đồng Nai (8,34%), Bình Dương (8,3%), Thanh Hóa (7,88%), Nghệ An (8,24%) đều đạt kết quả khả quan.

Một số địa phương còn vượt xa kịch bản tăng trưởng ban đầu. Bắc Giang dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm lên tới 14,01%. Hải Dương cũng đạt mức 11,6% – đều cao hơn nhiều so với kế hoạch. Trong khi đó, Hải Phòng và Quảng Ninh đều cán mốc 11%. Tuy nhiên, nếu xét theo chỉ tiêu được giao, Hải Phòng vẫn chưa đạt được tốc độ 11,97% như mục tiêu 6 tháng đề ra.

Sau khi sáp nhập, từ 63 tỉnh, thành phố nay chỉ còn 34 địa phương, việc tính toán lại tốc độ tăng trưởng GRDP cần được cập nhật phù hợp với quy mô và nguồn lực mới. Theo Bộ Tài chính, trong số 34 địa phương mới, có 17 địa phương tiếp tục đạt mức tăng trưởng GRDP trên 8%, bao gồm: Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Đồng Nai, An Giang.

Bộ Tài chính trình Chính phủ 'khoán tăng trưởng' GRDP năm 2025 cho 34 địa phương sau sáp nhập
Bộ Tài chính trình Chính phủ “khoán tăng trưởng” GRDP năm 2025 cho 34 địa phương sau sáp nhập. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, không phải địa phương nào sau sáp nhập cũng duy trì được đà tăng trưởng như trước. Trường hợp đáng chú ý là TP.HCM. Sau khi hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, nếu cộng gộp số liệu, mức tăng trưởng GRDP của toàn vùng nay chỉ đạt 6,56% – thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Điều này cho thấy cần có sự điều chỉnh lại chỉ tiêu phù hợp với bối cảnh địa phương mới.

Việc xác định rõ mục tiêu tăng trưởng sẽ giúp từng địa phương chủ động hơn trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế, đồng thời tạo áp lực tích cực để nâng cao hiệu quả điều hành.

Bộ Tài chính cũng đánh giá, dù còn một số thách thức trong việc tính lại chỉ tiêu GRDP cho các tỉnh mới, nhưng việc “khoán tăng trưởng” trong 6 tháng đầu năm đã cho thấy hiệu quả tích cực. Công cụ này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng đều giữa các vùng miền, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng GDP cả nước đạt 8% năm 2025 và tiến tới mức hai con số trong những năm sau.