Thông tin thêm về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, quý II và 6 tháng đầu năm 2025 tình hình kinh tế - xã hội và thu ngân sách quốc gia có nhiều khởi sắc, “đi ngược với sự ảm đạm, bất ổn của tình hình quốc tế”.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động địa chính trị khó lường, nhiều quốc gia bị hạ bậc tín nhiệm, thì Việt Nam vẫn "lội ngược dòng", đạt kết quả tích cực.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế quý II ước đạt từ 6,87 – 6,97%; trên có sở đó tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm dự kiến đạt khoảng 7,58%, bám sát kịch bản tăng trưởng đã đề ra. Thu ngân sách Nhà nước đạt 67,7% dự toán cả năm, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước; thu nội địa tăng 33%. Cơ cấu thu ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “6 tháng rất nhiều cảm xúc. Kết thúc quý I chúng ta chưa đạt kịch bản, nhưng 3 tháng qua đã bứt phá ngoạn mục. Thu ngân sách Nhà nước vượt kỳ vọng, cơ cấu thu ổn định”.
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng tin tưởng cả hệ thống chính trị sẽ phấn đấu đạt tăng trưởng tối thiểu 8%, hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra, đặc biệt về thu ngân sách Nhà nước.
"Với đà này, mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% trong 6 tháng cuối năm là khả thi", Bộ trưởng nhấn mạnh.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng - Ảnh: MOF |
Năm nay, Chính phủ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%. Tại phiên họp Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết GDP nửa đầu năm ở mức cao nhất gần 20 năm. Cùng với đó, các địa phương đầu tàu tăng trưởng đạt kết quả tốt.
Cụ thể, tính theo 63 tỉnh thành cũ, TP. HCM tăng 7,82%, Hà Nội tăng 7,63% và 10 địa phương tăng trưởng hai chữ số. Tính theo 34 tỉnh thành mới, có 6 địa phương tăng trưởng hai con số (Quảng Ngãi, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ).
Hơn nữa, trong thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế uy tín như IMF, WB, WEF, OECD… tiếp tục đánh giá tích cực, dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam thời gian tới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng thừa nhận, trong thời gian tới, nền kinh tế dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 còn nhiều thách thức và kinh tế vĩ mô còn chịu nhiều sức ép, nhất là trong điều hành tỷ giá, lãi suất.
Vì vậy, Bộ trưởng đề xuất các bộ ngành, cơ quan cần theo sát hoạt động của chính quyền 2 cấp để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ, bảo đảm công việc thông suốt. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, giữ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.