Bức tranh sáng - tối ngành thép quý II/2025: Áp lực thuế quan và 'cuộc hồi hương' của nhóm tôn mạ
Ảnh minh họa

Thị trường thép Việt Nam 5 tháng đầu năm 2025 đang chứng kiến sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm sản phẩm. Trong khi thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) được hưởng lợi nhờ nhu cầu trong nước và chính sách thuế phòng vệ thương mại thì nhóm tôn mạ và ống thép lại chịu nhiều sức ép do phụ thuộc vào xuất khẩu – nơi các rào cản thuế quan đang siết chặt.

Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tổng sản lượng thép thành phẩm sau 5 tháng đạt hơn 13 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, sản lượng bán hàng trong nước của thép xây dựng tăng mạnh nhờ hoạt động xây dựng hồi phục, đặc biệt tại miền Bắc và miền Trung.

Hòa Phát nổi bật trong nhóm thép xây dựng, tiêu thụ hơn 2,1 triệu tấn, chiếm 38% thị phần và dẫn đầu toàn ngành. Với HRC – một trong hai doanh nghiệp nội địa sản xuất sản phẩm này – Hòa Phát lần đầu tiên vượt Formosa, chiếm vị trí số một thị phần kể từ tháng 3/2025, nhờ vào chính sách thuế chống bán phá giá áp dụng với thép Trung Quốc và nguồn tiêu thụ từ dự án Dung Quất 2.

Ngược lại, xuất khẩu HRC của Hòa Phát sụt giảm mạnh 48% do tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại từ châu Âu. Tình trạng tương tự xảy ra với nhóm tôn mạ, khi sản lượng xuất khẩu toàn ngành giảm tới 38% so với cùng kỳ, kéo theo lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn như HSG, GDA, NKG sụt giảm mạnh.

Bức tranh sáng - tối ngành thép quý II/2025: Áp lực thuế quan và 'cuộc hồi hương' của nhóm tôn mạ
Doanh số tiêu thụ các mặt hàng thép 5 tháng đầu năm 2025 của Việt Nam

Đơn cử, Hoa Sen (HSG) dù có sản lượng tăng nhẹ nhưng lợi nhuận quý II/2025 dự kiến chỉ đạt 285 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% YoY. Tương tự, Tôn Đông Á (GDA) có thể ghi nhận lợi nhuận ròng giảm hơn một nửa còn 77 tỷ đồng; Nam Kim (NKG) thậm chí giảm 59% lợi nhuận ròng so với cùng kỳ.

Tình hình này phản ánh xu hướng các doanh nghiệp tôn mạ đang thu hẹp xuất khẩu, quay về tập trung thị trường nội địa. Tuy nhiên, đây không phải giải pháp dài hơi khi áp lực cạnh tranh nội địa vẫn rất lớn, trong khi giá bán tôn mạ chưa phục hồi đáng kể do nhu cầu tiêu dùng yếu.

Trong khi đó, VDSC kỳ vọng Hòa Phát sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng của ngành trong quý II, với doanh thu ước đạt 45.500 tỷ đồng (tăng 15% YoY), lợi nhuận ròng 4.150 tỷ đồng (tăng 25%). Động lực đến từ sản lượng HRC và thép xây dựng tăng khoảng 20% so với quý trước, cùng với giá bán ổn định và chi phí than cốc thấp.

Bức tranh ngành thép năm 2025 đang dần rõ nét với hai mảng sáng – tối: Một bên là các doanh nghiệp tận dụng chính sách thuế và nhu cầu nội địa để tăng tốc, một bên là nhóm phụ thuộc xuất khẩu đang chịu tổn thương vì cơn sóng phòng vệ thương mại toàn cầu.