Một năm ảm đạm của kinh tế toàn cầu

Theo Dự báo lạm phát Toàn cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dù đã đạt đỉnh trong năm 2022 nhưng vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao vào 2023. Các ngân hàng trung ương lớn duy trì tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán GDP thế giới năm 2023 tăng trưởng ở mức 1,7%. Đây là mức thấp hơn nhiều so với son số 3% được công bố hồi tháng 6/2022.

Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Eurozone, đều đang chịu ảnh hưởng của suy thoái. Theo đó, kinh tế Mỹ có thể chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2023, còn kinh tế Trung Quốc tuy có nhiều tín hiệu khả quan hơn nhưng vẫn sẽ phải đối mặt rủi ro của việc mở cửa trở lại như thiếu lao động tạm thời, áp lực lạm phát tăng. Các hoạt động xuất nhập khẩu cũng vì thế mà chịu tác động xấu. Bên cạnh đó, xung đột Nga-Ukraine kéo dài cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế ở châu Âu và Trung Á dự kiến chỉ ở mức 0,1%. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do sự sụt giảm của kinh tế Nga trong cả 2 năm (2022, 2023) và suy thoái sâu sắc trong năm 2022 của Ukraine. Các chuyên gia từ Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, những vấn đề trên có thể sớm cải thiện từ nửa cuối năm 2023, song kinh tế thế giới vẫn đang đối diện với những thách thức lớn.

Các chuyên gia dự báo kinh tế thế giới 2023 tăng trưởng thấp, chứng khoán Việt Nam ra sao?

Những điểm sáng của kinh tế Việt Nam

Dù đang phải đối diện bối cảnh bất định, khôn lường và tiềm ẩn những rủi ro, thách thức..., kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm khả quan, đáng để kỳ vọng. Chuyên gia từ Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết, một trong những động lực mạnh cho sự phục hồi là triển vọng của dòng vốn FDI. Trong năm 2022, nhiều tập đoàn lớn của Thế giới đã công bố hàng loạt dự án quy mô, những khoản đầu tư lớn tại Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng lần đầu tiên lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới. Bên cạnh đó, sự quay lại của ngành du lịch cũng là một điểm sáng. Sau nhiều năm bị dịch bệnh ảnh hưởng, du lịch và các ngành dịch vụ liên qua đã hồi phục và hứa hẹn về tiềm năng phát triển, kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Trong năm 2023, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở khoảng 4,5% vào năm 2023, trong khi tăng trưởng GDP năm 2023 dự kiến sẽ ở mức 6,5%. Chuyên gia từ Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách tiền tệ phù hợp, kịp thời để kiểm soát và đây là một cơ sở để tin tưởng vào sự khả quan của kinh tế Việt Nam.

Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,2%−6,7% vào năm 2023 và trung bình 7,3% trong giai đoạn 2023-2025, với kỳ vọng tốc độ tăng trưởng giải ngân đầu tư công sẽ bù đắp cho sự chững lại trong tăng trưởng tiêu dùng, cũng như sự chậm lại của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp.

Thời gian qua, xác nỗ lực của chính phủ nhằm minh bạch và ổn định thị trường cũng tạo thay đổi không nhỏ với thị trường. Trong đó, việc phê duyệt Nghị định 65 sửa đổi và các biện pháp hỗ trợ thanh khoản khác của Chính phủ và NHNN có ý nghĩa quan trọng. Quy định này sẽ tạo điều kiện tái cấu trúc ngành, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp hạ cánh mềm, đồng thời tăng sự an toàn và cũng tạo thêm niềm tin cho thị trường.

Từ những dấu hiệu khả quan của nền kinh tế nói chung, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ có phát triển tích cực. Song song với việc định giá thấp và dòng vốn ngoại giải ngân mạnh thì việc các nhà đầu tư cá nhân tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hơn cũng là một yếu tố có thể tác động tích cực, hỗ trợ thanh khoản.

Các chuyên gia dự báo kinh tế thế giới 2023 tăng trưởng thấp, chứng khoán Việt Nam ra sao?

Nhà đầu tư chứng khoán nên làm gì?

Bối cảnh kinh tế biến động gây ra nhiều sự lo ngại cho các nhà đầu tư. Theo các chuyên gia của chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, đây là thời điểm các nhà đầu tư nên giữ thái độ lạc quan, song song với cẩn trọng trong các quyết định. Chuyên gia cũng đánh giá trong 1- 2 quý tới, các nhóm ngành được dự báo tăng trưởng, phục hồi tốt là: chứng khoán, ngân hàng, xây dựng. Ngoài ra, nhóm ngành bán lẻ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tích cực của mình. Đặc thù của ngành bán lẻ giúp ngành vẫn ổn định trong cả giai đoạn dịch lẫn khủng hoảng kinh tế.

“Trong quý I, thị trường chứng khoán đã có nhiều tín hiệu khả quan. Kể cả gần đây, khi thị trường có xu hướng giảm thì chúng ta vẫn có thể tìm cơ hội và hướng đầu tư chính xác. Lời khuyên tốt nhất cho nhà đầu tư lúc này là lạc quan trong thận trọng, nghiên cứu kỹ các lĩnh vực để xác định được đâu là nơi có triển vọng và an toàn nhất", đại diện Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam chia sẻ.

Song với các dự đoán tích cực của chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây chứng kiến sự sôi động trở lại sau năm 2022 nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp chứng khoán liên tục thúc đẩy các hoạt động liên quan.

Đại diện phía Mirae Asset Việt Nam nói: “Việc duy trì sự năng động trong giai đoạn này là điều cần thiết để thị trường không rơi vào nốt trầm. Chúng tôi cũng đã tái khởi động cuộc thi chứng khoán MASCham thường niên, với tổng giải thưởng đến hơn 600 triệu đồng và được nhiều nhà đầu tư ủng hộ. Hy vọng rằng những hoạt động tích cực sẽ cổ vũ các nhà đầu tư, cũng như tiếp thêm lửa cho thị trường".