Sacombank (HOSE: STB) từng là một biểu tượng tăng trưởng của ngành ngân hàng tư nhân. Tuy nhiên, sau cuộc sáp nhập với SouthernBank và khối tài sản tồn đọng liên quan đến ông Trầm Bê, Sacombank đã bước vào một hành trình tái cơ cấu dài hơi, từ năm 2015 đến nay. Hành trình đó nay đã bước vào giai đoạn cuối, nhưng “cái bóng Trầm Bê” vẫn là một câu hỏi lớn về mặt định giá, triển vọng và chiến lược phát triển.

Tại tọa đàm chuyên đề Data Talk | The Catalyst, các chuyên gia nhận định rằng Sacombank đã tiệm cận điểm kết thúc quá trình tái cơ cấu và đang đứng trước cánh cửa mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới – nếu vượt qua được rào cản pháp lý cuối cùng mang tên cổ phần Nhà nước.

Tệp khách hàng tiểu thương: Nền móng cũ, cơ hội mới

Từ những năm 1990, Sacombank cùng ACB đã chọn cho mình chiến lược phát triển khác biệt khi tập trung phục vụ tệp khách hàng tiểu thương, chủ chợ và hộ kinh doanh cá thể – nhóm khách hàng bị bỏ ngỏ bởi các ngân hàng quốc doanh. Theo ông Lê Hoài Ân, CFA – Chuyên gia nghiên cứu chiến lược ngân hàng tại WiGroup, đây là tệp khách hàng có dòng tiền ổn định, tần suất giao dịch cao và thường xuyên duy trì mối quan hệ lâu dài với một ngân hàng duy nhất.

Ông Ân nhận định: “Chính điều này tạo ra một tệp khách hàng trung thành, tăng dần quy mô vay theo thời gian, và trở thành nền tảng quan trọng cho hai ngân hàng”.

'Cái bóng Trầm Bê' có còn đè nặng lên Sacombank?
Phân khúc khách hàng bán lẻ theo thu nhập và chiến lược ngân hàng. Nguồn: WiGroup tổng hợp từ báo cáo ngành ngân hàng 2025.

Từ nền tảng này, Sacombank mở rộng sang tín dụng tiêu dùng với danh mục đa dạng gồm vay mua nhà, xe, thẻ tín dụng và tín chấp cá nhân. Cấu trúc cho vay nhỏ, rủi ro phân tán giúp ngân hàng duy trì biên lãi thuần (NIM) ở mức vượt trội. Dữ liệu của WiGroup cho thấy, giai đoạn 2020–2022, nhóm ngân hàng chuyên bán lẻ như Sacombank đạt NIM trung bình trên 5%, trong khi nhóm quốc doanh chỉ dưới 3%.

'Cái bóng Trầm Bê' có còn đè nặng lên Sacombank?
Diễn biến biên lãi thuần (NIM) theo mô hình hoạt động ngân hàng giai đoạn 2016–2024. Nguồn: WiGroup phân tích từ dữ liệu báo cáo tài chính quý của các ngân hàng niêm yết.

Tuy nhiên, từ cuối 2023, tín dụng bán lẻ bắt đầu chững lại khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm do lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao. Năm 2025, Sacombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ 14%, thấp hơn mức trung bình toàn ngành là 16%. Dù vậy, đây được xem là bước đi hợp lý để ngân hàng ưu tiên lành mạnh hóa bảng cân đối thay vì theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá.

'Cái bóng Trầm Bê' có còn đè nặng lên Sacombank?
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 của các ngân hàng theo từng nhóm. Nguồn: Tổng hợp từ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) 2025 của các ngân hàng.

Xử lý tồn đọng: Khi nợ xấu sắp trở thành lợi nhuận

Theo báo cáo trình tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, tổng tài sản tồn đọng của Sacombank hiện là 93.005 tỷ đồng, trong đó gồm 35.400 tỷ đồng nợ gốc và 57.605 tỷ đồng lãi phải thu – toàn bộ đã được trích lập dự phòng đầy đủ. Điều này đồng nghĩa, mỗi đồng thu hồi được sẽ chuyển hóa trực tiếp thành lợi nhuận ròng.

'Cái bóng Trầm Bê' có còn đè nặng lên Sacombank?
Tiến độ xử lý tài sản tồn đọng của Sacombank giai đoạn 2016–2024. Nguồn: Báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Sacombank, tổng hợp và trình bày lại bởi WiGroup.

Hai khoản tài sản bảo đảm lớn nhất là khu công nghiệp Phong Phú (đã được đấu giá thành công với giá 8.000 tỷ đồng) và khoản cổ phần Sacombank trị giá khoảng 33.000–34.000 tỷ đồng do NHNN nắm giữ – vốn là tài sản đảm bảo cho khoản vay của ông Trầm Bê. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn – Wealth Manager tại Công ty Chứng khoán HSC, nếu ngân hàng thu về được 20.000 tỷ đồng từ thương vụ cổ phần này, lợi nhuận sau thuế có thể đạt 17.000 tỷ đồng, tương đương 9.000 đồng/cổ phiếu, nâng book value từ mức khoảng 30.000 đồng lên gần 39.000 đồng.

Cùng với đó, dư nợ trái phiếu đặc biệt VAMC chỉ còn khoảng 2.000 tỷ đồng và có thể được xử lý dứt điểm trong quý II/2025. Việc hoàn tất trái phiếu VAMC là điều kiện pháp lý cuối cùng để Sacombank chính thức kết thúc đề án tái cơ cấu kéo dài gần một thập kỷ và mở đường chia cổ tức – điều chưa từng xảy ra tại STB trong hơn 15 năm qua. Theo ông Sơn, “nếu không có biến động lớn, Sacombank có thể chính thức chia cổ tức từ năm 2026” – đây được xem là cú hích tâm lý rất lớn đối với nhà đầu tư.

'Cái bóng Trầm Bê' có còn đè nặng lên Sacombank?
Quá trình xử lý trái phiếu đặc biệt VAMC và chi phí dự phòng của Sacombank giai đoạn 2016–2024. Nguồn: WiGroup tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của Sacombank và dữ liệu công bố công khai Q4/2015 – Q4/2024.

Định giá và chiến lược tái định vị: Tái cơ cấu là điều kiện, không phải đích đến

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu STB hiện giao dịch quanh vùng 40.000-42.000 đồng. Với chỉ số định giá P/B trượt 12 tháng vào khoảng 1,3–1,4 lần, STB đang tiệm cận với ACB – ngân hàng đã hoàn tất tái cơ cấu từ giai đoạn 2012–2016. Nếu book value tăng lên mức 39.000 đồng như kỳ vọng, P/B sẽ rơi về mức 1 lần – ngưỡng định giá được xem là “hợp lý” đối với một ngân hàng bán lẻ có nền tảng vững và bảng cân đối lành mạnh.

'Cái bóng Trầm Bê' có còn đè nặng lên Sacombank?
Biến động định giá P/B trung bình, tối thiểu và tối đa của các ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2020 – Q1/2025. Nguồn: Widata.vn tổng hợp dữ liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 và dữ liệu lịch sử thị trường giai đoạn 2020–2024.

Dù vậy, để P/B có thể vượt khỏi ngưỡng này, Sacombank cần thêm các chất xúc tác mạnh mẽ. Ba điều kiện tiên quyết được ông Sơn nêu rõ gồm: hoàn tất xử lý tài sản bảo đảm, chính thức chia cổ tức và đặc biệt là thoái vốn thành công 32% cổ phần do NHNN nắm giữ. Đây là bước khó nhất, do đòi hỏi nhà đầu tư chiến lược phải vừa có tiềm lực tài chính mạnh, vừa tuân thủ đầy đủ các yêu cầu pháp lý liên quan đến sở hữu chéo và giới hạn tỷ lệ nắm giữ trong lĩnh vực ngân hàng. Quá trình này được dự báo sẽ kéo dài đến năm 2026.

So với ACB, Sacombank còn một chặng đường dài để thoát hoàn toàn khỏi bóng quá khứ. ACB đã chuyển hướng sang cho vay doanh nghiệp và FDI nhưng đang đối mặt với áp lực giảm NIM do đặc thù lãi suất thấp của phân khúc này. Trong khi đó, Sacombank vẫn kiên định với mô hình bán lẻ thuần túy, tập trung vào phân khúc khách hàng thu nhập trung bình và thấp – nhóm có biên lợi nhuận cao nhất. Nhưng để tận dụng lợi thế này, ngân hàng phải đẩy mạnh số hóa, đơn giản hóa quy trình cho vay và phát triển thêm các sản phẩm tín dụng ngách phù hợp.

Sacombank có viết lại được câu chuyện tăng trưởng hậu Trầm Bê?

Sacombank đã đi đến chặng cuối của hành trình tái cơ cấu dai dẳng nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Hầu hết các tài sản xấu đã được xử lý, trái phiếu đặc biệt VAMC chuẩn bị xóa sổ và câu chuyện cổ tức đang dần hé mở. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất còn lại vẫn là quyền sở hữu Nhà nước thông qua 32% cổ phần.

Khi vấn đề sở hữu được giải quyết, Sacombank sẽ có đủ điều kiện để được nhìn nhận như một ngân hàng bán lẻ hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên cơ sở nền tảng khách hàng sâu rộng, hiệu quả hoạt động được cải thiện và định giá còn dư địa. Nhưng cho đến thời điểm đó, cổ đông vẫn cần thêm sự kiên nhẫn – bởi tái cơ cấu không chỉ là xử lý tài sản xấu, mà còn là cuộc chuyển mình toàn diện để thoát khỏi cái bóng của quá khứ và vươn lên ánh sáng bằng nội lực.

Khi thị trường thôi nhìn STB như một ngân hàng “đang hồi phục” mà bắt đầu định giá nó như một ngân hàng đã sẵn sàng bứt tốc, đó mới là lúc Sacombank thực sự trở lại.