Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Science Advances đã làm dậy sóng giới học thuật toàn cầu. Các nhà khoa học cảnh báo rằng mỗi năm có thể có đến hàng trăm nghìn bài báo khoa học được viết hoặc hỗ trợ bởi AI như ChatGPT, nhưng không được tiết lộ công khai.

Chấn động: Hóa ra hàng trăm nghìn bài nghiên cứu khoa học được tạo ra bởi ChatGPT
Các nhà khoa học cảnh báo rằng mỗi năm có thể có đến hàng trăm nghìn bài báo khoa học được viết hoặc hỗ trợ bởi AI như ChatGPT

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Tübingen (Đức) đã sử dụng một phương pháp đặc biệt để phát hiện dấu vết AI. Họ xác định 454 từ ngữ mà các mô hình ngôn ngữ như ChatGPT thường sử dụng với tần suất cao bất thường, chẳng hạn như “delves”, “crucial”, “potential”, “garnered”, “encompassing” và “burgeoning”. Dựa trên phân tích này, họ ước tính có từ 13,5% đến 40% phần tóm tắt trong các bài báo y sinh học đã được AI can thiệp. Với hơn 1,5 triệu bài báo được lập chỉ mục mỗi năm trên PubMed, con số tương đương ít nhất 200.000 bài có yếu tố AI.

Không ít trường hợp, dấu vết AI bị lộ rõ ràng. Một số bài giữ nguyên câu trả lời của chatbot như “Tôi rất xin lỗi, nhưng tôi không có quyền truy cập thông tin thời gian thực…”. Một số khác sử dụng tài liệu tham khảo giả, cụm từ đặc trưng như “regenerate response” hay thậm chí hình ảnh do AI tạo ra với chi tiết vô lý, như một con chuột thí nghiệm có bộ phận sinh dục phóng đại.

Đáng chú ý, không chỉ các bài viết sơ sài mới sử dụng AI. Một số tác giả dường như đang lạm dụng công cụ này để sản xuất hàng loạt nội dung. Giáo sư Keith Humphreys từ Đại học Stanford chia sẻ rằng ông từng nhận thư phản hồi từ các tác giả Trung Quốc đã xuất bản hàng chục bài trên nhiều lĩnh vực khác nhau chỉ trong vòng vài tháng, điều gần như không thể nếu viết tay thủ công.

Trong khi đó, cộng đồng khoa học đang bị chia rẽ sâu sắc. Theo khảo sát của Nature với hơn 5.000 nhà nghiên cứu, chỉ 23% đồng ý cho phép dùng AI nếu không công khai. 45% cho rằng cần minh bạch, còn 33% hoàn toàn phản đối.

Một số học giả đã cố gắng giấu việc sử dụng AI bằng cách thay đổi cách viết, tránh dùng những từ dễ bị nghi ngờ. Tuy nhiên, không thiếu các trường hợp cẩu thả, để lộ nguyên văn nội dung do AI sinh ra.

Đồng tác giả nghiên cứu, Dmitry Kobak, thừa nhận ông từng nghĩ sẽ không ai dùng AI cho phần quan trọng như tóm tắt bài báo khoa học. Nhưng thực tế cho thấy điều đó đang diễn ra phổ biến và âm thầm.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo việc lạm dụng AI có thể làm xói mòn tính minh bạch và độ tin cậy của khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực y sinh học. Tác động này, theo họ, có thể còn vượt qua cả ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với nghiên cứu khoa học.