Theo thông tin từ Bộ GTVT, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, giá cước vận chuyển tăng gấp 5-7 lần so với trước dịch, và lúc này đây khi hoạt động xuất khẩu rất khó khăn doanh nghiệp “ăn đong” từng đơn hàng thì chi phí logistics vẫn đang neo ở mức cao.

Mặc dù đã qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19, và trong bối cảnh các doanh nghiệp tiếp tục đói đơn hàng đến hết quý 3/2023 thì chi phí logistics vẫn cao, đặc biệt là chi phí cầu cảng khiến cho doanh nghiệp đã khó lại càng thêm khó.

Cũng như đối với các hiệp hội ngành hàng khác, ngành logistics cũng đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong quý 1/2023 các doanh nghiệp trong ngành đã giảm đáng kể về thu nhập và doanh số. Cụ thể, doanh số của các doanh nghiệp dịch vụ logistic giảm bình quân 15%, và tới nay vẫn chưa thấy được dấu hiệu hồi phục.

Để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu thì dịch vụ logistics có vai trò cực kỳ quan trọng trong chuỗi cung ứng.

Song, để kết nối thương mại hàng hóa qua biên giới được thuận lợi, giảm chi phí logistics, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay thì sự tham gia của các công ty, các hiệp hội vào chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất nông sản và rau quả là hết sức quan trọng.

Vì vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã đề xuất với Bộ Công thương hai vấn đề để các doanh nghiệp logistics thoát khó:

Thứ nhất, để các doanh nghiệp logistics nên tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu/nông sản, chế biến thực phẩm…. VLA đề xuất phát triển các trung tâm logistics ở các địa phương, qua đó hàng hoá thông quan sẽ được hưởng các ưu đãi liên quan đến thủ tục, phí, lệ phí và thuế…

Mặt khác, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics mở rộng đầu tư kho bãi, phương tiện trang thiết bị… trong đó đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 171 và Nghị định 86 về đầu tư tàu biển (hiện đang là điểm nghẽn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phát triển đội tàu mang thương hiệu Việt Nam).

Hiện nay hơn 90% hàng hoá container xuất nhập khẩu sang châu Âu và Mỹ đều do hãng tàu nước ngoài chi phối nên lợi nhuận và các chi phí do họ quản lý.

Thứ hai, đối với vấn đề giảm chi phí logistics tại hệ thống cảng trong nước, mặc dù Việt Nam đã có hệ sinh thái cảng biển khá hoàn hảo nhưng do vướng các chính sách về logistics, việc hàng hoá xuất nhập khẩu trung chuyển giữa các cảng vẫn còn rất phức tạp, phát sinh chi phí lớn.

Do vậy, VLA cũng kiến nghị Bộ Công thương với vai trò là nhà quản lý ngành có ý kiến với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan sớm ban hành qui chế về cảng mở (Open port), trước mắt áp dụng cho hệ thống cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu, hàng quá cảnh lưu thông giữa các cảng mà không phát sinh chi phí, thủ tục xuất nhập khẩu nhiều lần gây mất thời gian cho doanh nghiệp.