Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (vốn đầu tư 67 tỷ USD) được xem là tuyến giao thông huyết mạch quốc gia, kết nối hai miền Nam - Bắc và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hồi tháng 4/2025, Chính phủ đã ban hành nghị quyết nhằm cụ thể hóa chủ trương đầu tư được Quốc hội thông qua. Theo đó, Bộ Xây dựng được giao chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn tất thủ tục phê duyệt dự án. Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được trình vào tháng 8/2026, trước khi Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 9 cùng năm.

Công tác giải phóng mặt bằng tại 20 tỉnh, thành phố mà tuyến đường đi qua sẽ do địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp thực hiện, hoàn thành trước tháng 12/2026. Sau đó, các Bộ ngành sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khởi công dự án trước ngày 31/12/2026. Việc thi công, mua sắm, lắp đặt thiết bị sẽ được triển khai ngay sau đó, với mục tiêu cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.

Chốt mốc chọn nhà thầu đường sắt 67 tỷ USD, một doanh nghiệp Việt 'bắt tay' đối tác Trung Quốc khẩn trương hành động
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Đèo Cả âm thầm hành động

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Đèo Cả đã sớm có những bước chuẩn bị bài bản để tham gia vào cuộc đua mới trong lĩnh vực hạ tầng đường sắt. Ngày 1/7 vừa qua, Đèo Cả phối hợp cùng Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương I và Trường Cao đẳng nghề Đường sắt Quảng Châu (Trung Quốc) tổ chức hội nghị “Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành đường sắt”. Đây được xem là bước khởi đầu trong chương trình hợp tác chiến lược ba bên nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, đặc biệt cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo tính toán, riêng tuyến cao tốc Bắc - Nam đã cần tới khoảng 20.000 lao động kỹ thuật. Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện nay đang thiếu hụt nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng. Trước thực trạng đó, Đèo Cả đã chủ động đề xuất mô hình đào tạo theo hướng thực tiễn và quốc tế hóa, bảo đảm “đặt hàng”, đào tạo và sử dụng đầu ra một cách hiệu quả.

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh: “Trên cơ sở thống nhất cao, chúng tôi cam kết đồng hành cùng hai nhà trường, không chỉ kết nối mà còn trực tiếp sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo, tạo hiệu quả thiết thực cho cả ba bên”.

Về phía Trung Quốc, ông Vương Siêu - Phó Bí thư Đảng ủy Trường Cao đẳng nghề Đường sắt Quảng Châu cam kết chia sẻ kinh nghiệm đào tạo và công nghệ thi công đã được kiểm chứng qua hàng chục nghìn km đường sắt cao tốc tại Trung Quốc. “Chúng tôi rất vinh dự được góp phần vào phát triển hạ tầng hiện đại của Việt Nam”, ông Vương nói.

Chốt mốc chọn nhà thầu đường sắt 67 tỷ USD, một doanh nghiệp Việt 'bắt tay' đối tác Trung Quốc khẩn trương hành động
Đèo Cả hợp tác với các đơn vị để đào tạo nguồn nhân lực

Bên cạnh đào tạo nhân lực, Đèo Cả cũng đang mở rộng hợp tác với các Tập đoàn lớn đến từ Đức, Pháp và Trung Quốc để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đào tạo chuyên sâu và tiến tới làm chủ kỹ thuật thi công hiện đại. Song song đó, mô hình “công trường - thao trường” đã được doanh nghiệp áp dụng trên các công trường trong nước, giúp hình thành đội ngũ kỹ sư có kinh nghiệm thực chiến, sẵn sàng bước vào các dự án lớn ngay từ cuối năm 2025.

Về năng lực kỹ thuật, ông Nguyễn Quang Huy cho biết, các hạng mục như nền đường - vốn tương đồng với kỹ thuật cao tốc - hoàn toàn nằm trong khả năng của nhà thầu nội. Tuy nhiên, với các hạng mục chuyên biệt như ray tàu, điện khí hóa, tín hiệu, đầu máy toa xe… doanh nghiệp sẽ liên kết với các đối tác quốc tế để tiếp cận công nghệ và đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất khi triển khai thực tế.

Song song với đó, công tác chuẩn bị thiết bị cũng đang được đẩy mạnh. Đèo Cả đang thúc tiến độ các dự án cao tốc hiện tại để thu hồi thiết bị thi công nền đường phục vụ dự án mới. Đồng thời, doanh nghiệp đã làm việc với đối tác nước ngoài để đặt hàng các thiết bị hiện đại như máy khoan hầm TBM, máy lu tự động…