Tại một bài giảng ở Berlin ngày 26/5, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định rằng đồng euro hoàn toàn có thể trở thành đối trọng thực sự của đồng đô la Mỹ.

Tuy nhiên, để làm được điều này, Liên minh châu Âu (EU) cần cải tổ sâu sắc kiến trúc tài chính và củng cố năng lực an ninh – điều kiện then chốt để đồng tiền chung của khối có thể nâng tầm quốc tế.

“Những thay đổi hiện tại đang tạo ra cơ hội cho một ‘khoảnh khắc toàn cầu của đồng euro’. Nhưng ảnh hưởng sẽ không đến một cách tự nhiên – nó phải được tạo dựng”, bà Lagarde nhấn mạnh tại Trường Hertie, Berlin.

Theo người đứng đầu ECB, vai trò của đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm xuống mức 58% – thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Trong khi đó, tỷ trọng của euro vẫn “dậm chân tại chỗ” ở mức khoảng 20%, do hệ thống tài chính EU vẫn chưa hoàn thiện, thị trường vốn còn manh mún và thiếu các tài sản an toàn thanh khoản cao.

Chủ tịch ECB: Euro đủ sức thay thế USD, nhưng châu Âu phải dám làm điều chưa từng có
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định rằng đồng euro hoàn toàn có thể trở thành đối trọng thực sự của đồng đô la Mỹ. (Ảnh: ET)

Đáng chú ý, bà Lagarde cho rằng để tăng vai trò của đồng euro, EU cần không chỉ mở rộng thị trường vốn và tăng độ thanh khoản, mà còn phải gia cố năng lực quốc phòng để tạo niềm tin cho các đối tác đầu tư.

“Nhà đầu tư, đặc biệt là các định chế chính thức, luôn tìm kiếm sự bảo đảm địa chính trị. Họ chọn những khu vực có thể thực thi cam kết bằng sức mạnh cứng”, bà phát biểu.

ECB kêu gọi EU tiến tới sử dụng đồng euro làm đơn vị thanh toán chính trong thương mại quốc tế, thông qua các hiệp định thương mại mới, cơ chế thanh toán xuyên biên giới cải tiến và thỏa thuận thanh khoản với ECB.

Tuy nhiên, bà Lagarde lưu ý rằng nhiệm vụ cấp thiết hơn cả là cải cách nội bộ khu vực đồng euro, đặc biệt là thúc đẩy tích hợp thị trường vốn và xây dựng một tài sản an toàn chung có tính thanh khoản cao, tương tự trái phiếu Kho bạc Mỹ.

“Lý thuyết kinh tế cho thấy hàng hóa công cần được tài trợ chung. Và việc vay chung có thể là nền tảng để châu Âu dần tạo ra các tài sản an toàn quy mô lớn”, bà nói.

Dù vậy, ý tưởng về vay chung vẫn là điều cấm kỵ với một số quốc gia thành viên chủ chốt như Đức – nơi lo ngại rủi ro tài khóa từ các nước khác có thể đổ lên vai người đóng thuế của mình.

Nếu vượt qua được các rào cản chính trị và xây dựng thành công một kiến trúc tài chính – an ninh mạnh mẽ, euro không chỉ trở thành nơi trú ẩn tài sản đáng tin cậy, mà còn giúp EU huy động vốn rẻ hơn, giảm thiểu rủi ro tỷ giá và gia tăng khả năng tự chủ trước các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Theo Reuters