Doanh nghiệp dệt vừa chạy đua tìm thị trường mới...
Các nhà sản xuất hàng may mặc trên khắp Trung Quốc và Việt Nam đã thở phào nhẹ nhõm vào ngày 25/5, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố siêu cường kinh tế này “không muốn sản xuất giày thể thao và áo phông” mà tập trung vào sân chơi công nghệ cao.
Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp dự định thay đổi kế hoạch kinh doanh sau phát ngôn của ông Trump. Sau nhiều tuần chứng kiến chính sách thuế quan của Mỹ thay đổi liên tục, họ hiểu rằng vị Tổng thống này có thể sẽ sớm đổi ý một lần nữa.
Các doanh nghiệp tại Trung Quốc và Việt Nam – hai trung tâm xuất khẩu quần áo lớn nhất thế giới – vẫn đang đối mặt với những bất ổn khó lường. Cả hai nước đang được tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày và phải nỗ lực đạt được thỏa thuận với Mỹ nhằm ngăn chặn một đợt áp thuế mới.
![]() |
Ảnh minh họa |
“Các nhà sản xuất dệt may của Việt Nam đang thở phào”, ông Dan Martin – cố vấn kinh doanh quốc tế tại Dezan Shira & Associates – nhận định trong cuộc phỏng vấn với South China Morning Post.
“Trong một khoảnh khắc ngày càng hiếm hoi của chủ nghĩa hiện thực về chính sách công nghiệp, chính quyền Tổng thống Trump dường như đã chấp nhận rằng không phải nhà máy nào cũng cần treo cờ Mỹ,” ông Martin nói thêm.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng ngành dệt may trị giá 44 tỷ USD của Việt Nam đã trải qua nhiều biến động lớn, và các doanh nghiệp trong nước hiểu rằng chính quyền ông Trump ưu tiên hình ảnh chính trị hơn là sự nhất quán về chính sách thương mại.
Theo số liệu năm 2024, Trung Quốc vẫn dẫn đầu về xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ với kim ngạch 16,5 tỷ USD, tiếp theo là Việt Nam (14,9 tỷ USD), Bangladesh (7,3 tỷ USD) và Ấn Độ (4,7 tỷ USD).
Kể từ đầu tháng 4, Mỹ đã có nhiều động thái nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại với các đối tác, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và hàng chục quốc gia khác. Trong 90 ngày tạm hoãn thuế để đàm phán, mức thuế quan với hàng nhập khẩu từ Việt Nam tạm thời là 10% thay vì mức dự kiến 46%.
Bà Winnie Lam – Tổng thư ký Hội đồng quản trị Hiệp hội doanh nghiệp Hong Kong tại Việt Nam – chia sẻ với South China Morning Post rằng nhiều nhà đầu tư Hong Kong và Trung Quốc đại lục tại Việt Nam đang giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác.
Bà nhận định phát biểu của ông Trump chỉ mang lại “sự cứu trợ tạm thời” và nhiều công ty đang “dứt khoát đa dạng hóa và ngày càng ít chú ý đến thị trường Mỹ”.
Thực tế, thông tin Mỹ có thể áp mức thuế đối ứng 46% từ đầu tháng 4/2025 đã khiến không ít doanh nghiệp Việt lo lắng. Dệt may, gỗ, thủy sản là những ngành được dự báo chịu tác động mạnh nếu đàm phán không đạt kết quả tích cực sau thời gian tạm hoãn.
Vừa chạy đua trong 90 ngày "vàng", lo xa hậu 10/7
Tại Hội thảo chuyên đề tháng 5 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường nhận định: “Các doanh nghiệp cần hoàn thành ít nhất 2/3 kế hoạch lợi nhuận năm trong thời gian này để dự phòng cho biến động nửa cuối năm”.
Theo ông Trường, cơ hội đơn hàng của ngành dệt may đang tập trung vào 6 tháng đầu năm, có thể kéo dài tới quý III/2025. Đây được xem là giai đoạn 90 ngày "vàng" trước hạn chót áp thuế đối ứng từ Mỹ – dự kiến kết thúc vào ngày 10/7.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng (dự kiến) áp dụng với một số nước hồi đầu tháng 4/2025 |
Nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ tăng ca, điều chỉnh lịch giao hàng và đàm phán lại giá để đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu sang Mỹ:
- May Đức Giang (Dugarco – MGG): Tổng Giám đốc Phạm Tiến Lâm cho biết công ty đang tận dụng triệt để thời gian hoãn thuế để giao hàng. Chi phí thuế quan được chia sẻ linh hoạt theo hình thức FOB, CM và quy mô đơn hàng. Ngoài Mỹ, công ty cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang Australia, Nhật Bản, Trung Quốc; đơn hàng đã kín đến tháng 9.
- Hòa Thọ (HTG): Gấp rút giao hàng trước ngày 10/7. Sau mốc này, lượng đơn mới từ Mỹ sụt giảm rõ rệt, khách hàng yêu cầu giảm giá, hoặc chuyển đơn hàng sang Bangladesh, Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty vẫn ghi nhận một số đơn chuyển từ Trung Quốc và đang tích cực chào hàng cho tháng 8.
- May 10 (M10): Tăng ca để giao hàng sớm theo yêu cầu đối tác Mỹ. Đơn hàng đã kín đến tháng 7, một số kéo dài tới cuối năm. Công ty cho biết thị phần Mỹ đang dần được bù đắp từ Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Trung Quốc, đồng thời chủ động đa dạng hóa nguồn nguyên liệu từ Ấn Độ, Đài Loan và hệ thống Vinatex.
- May Nam Định (NJC): Duy trì vai trò nguồn cung dự phòng. Khách hàng không cắt giảm đơn nhưng tăng cường kiểm soát xuất xứ và đàm phán giá khắt khe hơn.
- May Hưng Yên (HUG): Bắt đầu đàm phán chia sẻ giảm giá 1% với khách Hàn Quốc. Đơn hàng còn tới giữa tháng 8.
- Dệt May Huế (HDM): Lượng đơn giảm trong tháng 4. Nhiều khách yêu cầu giảm giá 3–5% cho đơn giao tháng 5–6, nhưng công ty đã kín đơn đến tháng 7 và tiếp tục nhận đơn FOB trong quý III.
- Hanosimex (HSM): Hợp tác với HDM để giữ ổn định sản xuất đến cuối năm.
- Dệt may Miền Nam: Dù chưa giảm giá theo yêu cầu khách nhưng Tổng Giám đốc Nguyễn Hùng Quý cho biết công ty đang tăng tỷ trọng đơn hàng từ châu Âu và Anh để giảm lệ thuộc Mỹ. “Nếu mức thuế chỉ tăng thêm 15–20%, thị trường vẫn có thể hấp thụ. Vấn đề lớn là chứng nhận xuất xứ cần minh bạch, nhất là với nguyên liệu từ Trung Quốc”, ông Quý nhấn mạnh.
Như vậy, có thể thấy, để đạt mục tiêu xuất khẩu 47–48 tỷ USD trong năm 2025 và hướng đến phát triển bền vững, theo lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành cần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường và phục vụ nhiều phân khúc khách hàng khác nhau.