Dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ, đồng bộ và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện chính sách tiền tệ vững chắc, linh hoạt, ổn định, kiểm soát lạm phát và giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Đặc biệt, cuối năm 2023, NHNN đã có cơ chế mới trong điều hành tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống, điều chuyển từ các tổ chức tín dụng (TCTD) không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng chuyển sang các TCTD cần được tiếp tục mở rộng tăng trưởng trên cơ sở một số tiêu chí nhất định.

Chủ tịch HĐQT VietinBank: Tạo hành lang pháp lý, cơ chế cho hoạt động xử lý nợ
Chủ tịch HĐTQ VietinBank Trần Minh Bình tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng 8/1, đại diện ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), ông Trần Minh Bình cho rằng việc xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nợ xấu có nguy cơ tăng do các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Nguyên nhân chính của việc nợ xấu gia tăng phần lớn do phải chịu tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài (đại dịch Covid 19, các cuộc xung đột Nga-Ukraine, tại Trung Đông đẩy phí nguyên liệu lên rất cao, làm tăng chi phí doanh nghiệp). Qua đó có thể thấy vấn đề nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế, không chỉ của riêng ngành ngân hàng. Tuy nhiên, để nợ xấu được xử lý có hiệu quả rất cần sự phối hợp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ các ngành, các cấp, cụ thể:

Sự đời của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã giúp giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới xử lý nợ xấu, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ góp phần tích cực trong kết quả thu hồi nợ của hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, đến nay Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực, sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý lớn, gây khó khăn cho việc xử lý nợ của các TCTD. Do vậy, ngân hàng đề xuất Luật hóa NQ42 tạo hành lang pháp lý, cơ chế cho hoạt động xử lý nợ...

Với tình hình thực tế 2024, dự báo sẽ vẫn còn nhiều thách thức và diễn biến khó lường, mặc dù NHNN và toàn bộ hệ thống Ngân hàng đều đang quyết tâm để đẩy mạnh tín dụng lành mạnh, tăng trưởng hiệu quả cho nền kinh tế, với cơ chế tín dụng được đổi mới, mức tăng trưởng tín dụng được giao cho các TCTD ngay từ đầu năm.

Song song với giải pháp của ngành Ngân hàng, để việc tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế đạt mục tiêu đề ra, VietinBank kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, phối hợp Bộ Tư pháp để sửa đổi, bổ sung rút gọn thủ tục phê duyệt dự án đầu tư BĐS; UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện giải quyết các vướng mắc trong phê duyệt, trình phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo quỹ đất cho nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho VietinBank cũng như các NHTM Nhà nước tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính. Hiện tại VietinBank đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trên cơ sở đó, VietinBank đề xuất các Cơ quan có thẩm quyền cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn; phê duyệt chủ trương cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.