Tuần qua, mạng xã hội xôn xao với hình ảnh “1.500 anh em làm bất động sản” tụ họp tại một tỉnh ven Hà Nội để “tác nghiệp”. Bức ảnh được một người làm truyền thông kiêm kinh doanh bất động sản đăng tải cùng chú thích: “Đất quê tôi cò bay rợp trời, thổi tung trời đất”. Bức hình lan truyền với tốc độ chóng mặt, hàng nghìn lượt thích và hàng trăm bình luận ở mỗi diễn đàn mà nó xuất hiện, cho thấy mức độ quan tâm đặc biệt của dư luận đối với những gì đang diễn ra trong thị trường địa ốc.
Cùng thời điểm, một phát ngôn gây sốc của một doanh nhân cho rằng “làm môi giới bất động sản chất xám thấp nên mới gọi là cò đất” đã làm dậy sóng cộng đồng. Các hội nhóm, diễn đàn môi giới bất động sản lập tức phản ứng gay gắt, tạo nên một làn sóng tranh luận. Nhưng vượt lên trên tranh cãi đúng sai, điều đáng quan tâm hơn cả là những hệ lụy phía sau những cơn sốt đất – nơi không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà cả doanh nghiệp sản xuất, doanh nhân kỳ cựu cũng lần lượt rẽ hướng.
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Theo TS. Trần Du Lịch, nguyên Đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, trong một chuyến công tác tại miền Trung, ông đã “không khỏi bất ngờ khi chứng kiến cảnh nhiều người khổ sở bỏ công việc chính để lùng mua đất, mua nhà hòng đầu cơ, mong kiếm lời”. Ông kể lại: “Tôi đã gặp nhiều người bỏ sở trường đi làm bất động sản. Có tình trạng người người đi kinh doanh bất động sản”.
Cái bóng của thị trường địa ốc không chỉ phủ lên giới đầu tư nhỏ lẻ mà còn kéo cả cộng đồng doanh nhân vào vòng xoáy. TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, nhận định: “Không đâu nhiều người đi làm bất động sản như Việt Nam, có tình trạng đại gia làm bất động sản, trung gia và tiểu gia cũng vậy”.
Một lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) từng chia sẻ câu chuyện buồn: Khoảng năm năm trước, ông rất kỳ vọng vào một doanh nghiệp cơ khí ở Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp này đã trở thành nhà cung cấp cấp 1 cho một tập đoàn đa quốc gia, thậm chí còn được phía đối tác ứng vốn để phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, giữa cơn sốt đất lan rộng, doanh nghiệp đã “dồn tiền để đi buôn đất, rồi đứt gánh và bỏ luôn ngành nghề chính là làm cơ khí”.
Vị quan chức này nói thêm: “Không trách gì doanh nghiệp” bởi “suy cho cùng, họ thấy cái gì có lợi thì họ kinh doanh”. Song ông không giấu được sự trăn trở khi thừa nhận: “Có điều, thực tế là vì những cơn sốt đất, lợi nhuận trước mắt có thể lớn đã cuốn đi nhiều doanh nghiệp sản xuất. Cũng có nhiều doanh nghiệp ‘chớp được thời cơ’ rồi rút ra, song số bị ngạt rất nhiều và không còn lực để quay lại về ngành nghề sản xuất sở trường nữa”.
Một câu chuyện khác cũng đáng suy ngẫm: Năm 2017, một nhóm nhà báo được mời đi thăm một nhà máy sản xuất linh kiện ô tô tại ngoại thành Hà Nội. Công ty này không thuộc nhóm “đại gia”, nhưng nhờ đi vào thị trường ngách, họ đã sản xuất linh kiện đạt chuẩn DIN của Đức, được các hãng xe châu Âu chấp nhận và có năm xuất khẩu đạt hàng chục triệu USD. Nhưng điều khiến các nhà báo nhớ mãi là khoảnh khắc vị giám đốc cởi bộ đồ công nhân cơ khí để khoác áo vest, tiếp khách tại văn phòng. Ông chia sẻ: “Nghề cơ khí là cơ khổ, doanh số mỗi năm không bằng đi buôn vài lô đất nên ngoài thời gian ở xưởng cùng anh em vì đam mê, tôi phải mặc áo vét, đi xe đẹp để buôn đất nhằm ‘lấy ngắn nuôi dài’”.
Vài năm sau, vị giám đốc không còn bắt máy. Website công ty vẫn hoạt động, nhưng khi hỏi lại người cán bộ từng dẫn đoàn đi thăm nhà máy, câu trả lời chỉ gói gọn trong một câu buồn bã: “Ông đó nghe đâu cũng nghỉ rồi, cũng chỉ vì dốc hết vốn rồi kẹt mấy lô lớn ở một huyện có thông tin lên quận”.
Tình trạng này không phải cá biệt. TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, từng tổng kết một cách thẳng thắn: “Có nhiều người là doanh nhân giỏi, nhưng 5 năm, 10 năm đưa vốn vào sản xuất kinh doanh, tổng kết lại thì lợi nhuận và tài sản thua xa những người bạn chỉ tập trung vốn vào mua đất chờ lên giá”.
Những câu chuyện trên phơi bày một thực trạng đáng lo: vốn đầu tư đang bị rút khỏi khu vực sản xuất – nơi tạo ra giá trị gia tăng thực chất – để đổ vào tài sản đầu cơ. Hệ quả là chuỗi cung ứng đứt gãy, năng lực nội sinh của nền kinh tế bị xói mòn, còn đất đai thì bị găm giữ, không đưa vào sử dụng đúng chức năng.
Dù vậy, không thể phủ nhận vai trò của bất động sản trong tăng trưởng kinh tế. Từ hơn 20 năm trước, bất động sản đã được xác định là một trong năm thị trường quan trọng trong văn kiện Đại hội Đảng. Trong hơn hai thập kỷ, lĩnh vực này đã đóng góp tích cực vào công nghiệp hóa, đô thị hóa và thúc đẩy GDP. Tuy nhiên, như cảnh báo của TS. Trần Du Lịch và TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu để “giá đất bị đẩy lên quá xa giá trị thật” thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế.
Để chấn chỉnh thị trường, thời gian qua Nhà nước đã ban hành và sửa đổi nhiều chính sách. Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản đã được cập nhật. Nhiều đề xuất như đánh thuế cao đối với bất động sản thứ hai, nhà đất bỏ hoang cũng đang được xem xét, bên cạnh việc mạnh tay xử lý các hành vi “thổi giá”, găm đất, thao túng thị trường.
Về lâu dài, điều quan trọng là tạo dựng một môi trường đầu tư thuận lợi cho sản xuất: chi phí vốn phải hợp lý, thể chế phải minh bạch, chính sách tín dụng phải tiếp sức cho doanh nghiệp thật sự làm ăn chân chính. Khi ấy, những cỗ máy trong xưởng cơ khí, những dây chuyền trong nhà máy chế tạo mới có cơ hội để tăng tốc, thay vì bị phủ bụi bởi những cơn sốt đất chóng vánh và dễ vỡ. Và chỉ khi đó, nền kinh tế mới thoát khỏi vòng xoáy “ảo giác tài sản”, quay về với con đường phát triển bền vững bằng chính năng lực tạo ra giá trị thực.