Kết phiên 24/5, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu tăng 2,8% lên mức 29.250 đồng, có thời điểm đạt 30.200 đồng thị giá.

Cổ phiếu ACB vượt đỉnh trong cái nhìn 'bất lực' của một nhóm nhà đầu tư 'cá mập'

33,8 triệu cổ phiếu ACB vừa được trao tay - mức cao thứ hai trong lịch sử sau phiên 30/7/2021

Trong phiên cuối tuần qua, khối ngoại giao dịch 1 triệu cổ phiếu ACB ở cả hai chiều mua và bán. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Giám đốc Khối Phân tích và Đầu tư, CTCP Chứng khoán An Bình (ABS), ACB là cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại trao tay nhiều nhất khi giá trị giao dịch lũy kế từ đầu năm 2023 tới nay lên tới 13.300 tỷ đồng. Do trạng thái luôn kín room (tỷ lệ 30%) nên đây chủ yếu là các giao dịch nội khối.

Có thể thấy, ACB là một trong số những trường hợp cổ phiếu điển hình cho thấy mức độ quan tâm rất lớn của dòng tiền nước ngoài. Đây cũng là điển hình cho bài toán có nên hay không, nên làm hay chưa cần nới room khối ngoại - một trong những tiêu chí đặc biệt giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thuận lợi hướng đến mục tiêu nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

Theo ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm kinh doanh CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), trên thị trường chứng khoán hiện tại, số lượng cổ phiếu được khối ngoại giao dịch tập trung không nhiều (chỉ từ 30-50 mã). Phần lớn trong số này vẫn chưa kín room trong khi một số mã như ACB, MWG, GMD... gần như đã kín room ngoại.

Bên cạnh việc giúp doanh nghiệp có nguồn lực lực để phát triển, đặc biệt là những doanh nghiệp Top đầu các ngành, điều này cũng hạn chế doanh nghiệp tiếp cận với những nguồn vốn mới tiềm năng.

Hiểu nôm na, tất cả các nhà đầu tư đều muốn xuống tiền ở những doanh nghiệp tốt, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp các nhóm nhà đầu tư cũ không bán ra, những "nhà đầu tư chậm chân" rất khó để có thể tham gia cuộc chơi đầu tư tăng trưởng/giá trị cùng với doanh nghiệp.

Theo chuyên gia ABS, trường hợp của phản ánh sự chuyển hướng trong chiến lược của các nhà tạo lập thị trường. Thay vì chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, họ nay đang chú trọng đến giá trị cốt lõi và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp.

Xu hướng bán ròng năm 2023 và có thể tiếp tục trong phần lớn năm 2024 đã được ghi nhận rõ ràng. Tuy nhiên, thông qua các hoạt động đầu tư của dòng tiền khối ngoại, chúng ta có thể nhận thấy chiến lược của họ không chỉ là giảm tỷ trọng trong trung hạn để hạn chế rủi ro thị trường, mà còn là tăng cường đầu tư vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, hướng đến việc sinh lời bền vững.

Bà Linh nhấn mạnh, việc mở rộng giới hạn đầu tư nước ngoài không chỉ là yếu tố quan trọng trong việc nâng cấp thị trường chứng khoán, mà còn là chiến lược dài hạn nhằm cải thiện cả chất lượng và số lượng vốn đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này không chỉ giúp tăng cường năng lực tài chính của các doanh nghiệp mà còn hỗ trợ yếu tố thanh khoản của cổ phiếu trên thị trường.

Định giá hiện tại của nhóm ngành ngân hàng đang ở mức trung bình – thấp, mở ra nhiều cơ hội tăng giá tiềm năng. P/B hiện tại của các ngân hàng niêm yết đang ở mức 1.56x lần, ngang với mức trung vị 1 năm là 1.55x lần và thấp hơn khá nhiều so với mức trung vị 3 năm là 1.9x lần.

ACB là một trong 4 cổ phiếu ngân hàng được SSI Research đưa vào danh sách cổ phiếu ưa thích bên cạnh các mã BID, VCB và STB cách đây không lâu.

Đơn vị phân tích Chứng khoán SSI kỳ vọng, năm 2024, ACB sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,2% với bộ đệm dự phòng cao là 82,2%; tăng trưởng lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 14% YoY, đạt 22.800 tỷ đồng nhờ tăng trưởng tín dụng và NIM phục hồi mặc dù chi phí tín dụng có thể vẫn ở mức tương đối cao là 0,42%.