Cổ phiếu đế chế “Sói già phố Wall” Carl Icahn mất gần 25% sau dòng tweet của đối thủ cũ
Ông Bill Ackman.

Cổ phiếu của Icahn Enterprises LP đã giảm tới 24,7% xuống còn 18,03 tỷ USD sau phiên giao dịch ngày 25/5, mức thấp nhất trong hơn 14 năm qua, làm trầm trọng thêm tình hình của Icahn Enterprises.

Trước đó, hồi đầu tháng 5, cổ phiếu của công ty đã mất khoảng 60%, trong khi tài sản ròng của Carl Icahn cũng đã “bốc hơi” tới 15 tỷ USD kể từ khi Hindenburg cáo buộc tập đoàn có định giá quá cao so với thị trường, đồng thời cho biết Carl Icahn đã dùng cổ phiếu trị giá hàng tỷ USD làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay ký quỹ.

Icahn Enterprises bác bỏ báo cáo của người bán khống là hoàn toàn "tư lợi", David Willetts, Giám đốc điều hành của Icahn Enterprises, cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tính trung thực từ các số liệu tài chính cũng như báo cáo của Công ty”.

Đối thủ cũ

Mọi chuyện được ví như "đổ thêm dầu vào lửa" sau khi Bill Ackman ngày 25/5 (theo giờ địa phương) cũng đưa ra những bình luận chỉ trích Icahn.

Cụ thể, trong một bài đăng trên Twitter, Bill Ackman (57 tuổi), một nhà đầu tư tỷ phú đã nhấn mạnh việc Carl Icahn thế chấp cổ phiếu Icahn Enterprises để vay nợ, đồng thời dự đoán cổ phiếu này có thể sẽ giảm tiếp trong thời gian tới.

Ông Ackman cũng cho biết hiện bản thân không bán khống hay mua cổ phiếu từ Icahn Enterprises, mà chỉ “đứng nhìn từ xa”.

Hiện Icahn đang nắm giữ 84% vốn cổ phần tại Icahn Enterprises và sở hữu khối tài sản 8.9 tỷ USD, theo số liệu của Bloomberg. Trong khi đó, “thiên tài bán khống” Bill Ackman sở hữu 2.5 tỷ USD.

Trước đây, Bill Ackman từng là đối thủ của Carl Icahn trong thương vụ liên quan đến công ty thực phẩm chức năng Herbalife cách đây 10 năm trước.

Ackman gọi Herbalife là một mô hình “kim tự tháp” và cho rằng công ty này không tạo ra doanh thu thực, gây tổn hại cho các cộng đồng trên toàn thế giới: “Nếu tôi đúng, cổ phiếu công ty này sẽ thành mớ giấy lộn”, Ackman khẳng định.

Carl Icahn và Ackman thậm chí còn thực hiện một cuộc đấu khẩu dài 25 phút trên sóng truyền hình trực tiếp về vấn đề này. Icahn cho rằng Ackman đã xuyên tạc các sự thật về một công ty có nguồn tài chính mạnh và rất thành đạt. Do đó, “sói già” đã mạnh tay mua vào một lượng lớn cổ phiếu Herbalife.

Ví Icahn Enterprises với quỹ phá sản Archegos

Cũng trong dòng tweet được đăng tải mới đây trên trang cá nhân của Ackman, vị tỷ phú này còn ví công việc kinh doanh của “sói già Phố Wall” giống như công ty của “ông hoàng margin call” Bill Hwang đã sụp đổ gây ra làn sóng chấn động cho giới tài chính toàn cầu vào năm 2021.

“Sự vụ của Icahn Enterprises khiến tôi nhớ về trường hợp của Archegos”, Ackman chia sẻ. Ông so sánh giữa việc Icahn đi vay với cổ phiếu Icahn Enterprise để tài trợ cho các dự án kinh doanh của mình và sự phụ thuộc của Archegos vào các khoản vay ký quỹ từ những người cho vay khác nhau.

Nhiều người cho vay tạo ra một môi trường hỗn loạn hơn, đó là vấn đề. “Trước khi ngôi nhà sụp đổ, tất cả những gì cần thiết là một người cho vay phá vỡ hàng ngũ và cố gắng phòng ngừa rủi ro hoặc thanh lý cổ phần”, Ackman đã tweet.

Trước đó, công ty văn phòng đầu tư Archegos – dưới sự điều hành của doanh nhân Bill Hwang – vay rất nhiều tiền để đặt cược vào một vài cổ phiếu. Tuy nhiên, các cổ phiếu này giảm mạnh, khiến Archegos lỗ nặng và các bên cho vay bắt đầu yêu cầu công ty gia tăng tài sản thế chấp. Cuối cùng Archegos đã sụp đổ trong năm 2021.

Vụ phá sản của quỹ đầu cơ Archegos cũng khiến các ngân hàng toàn cầu thua lỗ tới 10 tỷ USD, trong đó các ngân hàng Nomura (Nhật Bản) và UBS (Thụy Sĩ) công bố số tiền thiệt hại cao hơn dự kiến. Trước đó, các ngân hàng như Goldman Sachs và Morgan Stanley buộc công ty của ông Hwang phải bán hàng tỷ USD cổ phiếu đang nắm giữ do sử dụng đòn bẩy tài chính cao.

Trong dòng tweet của mình, Ackman cho rằng "Icahn đã tạo ra nhiều kẻ thù trong suốt sự nghiệp lừng lẫy của mình. Tôi không chắc liệu anh ấy có người bạn thực sự nào không. Ở đây, anh ấy có thể sử dụng một người”.