Chỉ sau chưa đầy 6 năm, số lượng cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã tăng gấp ba, đạt mốc hơn 100.000 người vào giữa năm 2025 – cao nhất trong nhóm ngân hàng niêm yết và chỉ xếp sau Tập đoàn Hòa Phát trên toàn thị trường chứng khoán.
Động lực từ chính sách cổ tức hấp dẫn, chiến lược phát triển rõ ràng và kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đặn đã biến SHB thành tâm điểm của nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức trong và ngoài nước.
Sau đợt phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 11% để trả cổ tức 2023 vào cuối tháng 2 vừa qua, SHB chính thức nâng vốn điều lệ lên hơn 40.652 tỷ đồng – lọt Top 8 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán.
![]() |
Nguồn: BCTN 2024 của SHB |
Từ đây, thanh khoản cổ phiếu cũng bứt phá mạnh. Trung bình 20 phiên gần nhất, SHB ghi nhận khối lượng giao dịch khoảng 64 triệu đơn vị/phiên. Đặc biệt, phiên 7/7, mã tăng trần với gần 250 triệu cổ phiếu được trao tay – một trong những phiên giao dịch kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt trong suốt 25 năm.
Từ vùng đáy dưới 9.000 đồng/cp hồi đầu năm, thị giá SHB hiện đã leo lên 14.250 đồng/cp – tăng gần 63% chỉ trong nửa năm, thuộc nhóm tăng mạnh nhất trong rổ VN30. Vốn hóa ngân hàng nâng lên xấp xỉ 58.000 tỷ đồng.
Không chỉ hút dòng tiền trong nước, SHB còn trở thành “điểm đến” yêu thích của khối ngoại. Từ phiên 4/7 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 80 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng – xếp đầu thị trường cùng với SSI.
Còn nhớ tại ĐHCĐ thường niên 2023, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT từng ví von rằng: "SHB là cô gái đẹp và có nhiều chàng trai từ các quốc gia khác muốn kết hôn". |
Về triển vọng nội tại, SHB đặt mục tiêu lãi sau thuế 2025 đạt 11.600 tỷ đồng – gia nhập “CLB lãi 10.000 tỷ”. Trong năm 2024, ngân hàng cũng đạt mức lợi nhuận cao kỷ lục và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong quý I/2025. Tại ĐHCĐ thường niên, SHB đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2025 lên tới 18%, kỳ vọng thực hiện trong quý IV khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Trên phương diện dài hạn, SHB đang đẩy mạnh xúc tiến hợp tác chiến lược với nhà đầu tư ngoại có tiềm lực tài chính và chiến lược đồng hành. Ngân hàng cũng ưu tiên các chương trình truyền thông, minh bạch tài chính và thúc đẩy nhận diện thương hiệu nhằm nâng cao sức hút với nhà đầu tư tổ chức.
![]() |
Sau mức kỷ lục lợi nhuận năm 2024, sang năm 2025, SHB đặt mục tiêu lãi sau thuế 11.600 tỷ, gia nhập CLB lãi trên 10.000 tỷ đồng |
Về mặt định giá, cổ phiếu SHB hiện giao dịch với P/E dưới 6 lần và P/B khoảng 0,99 lần – thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung ngành ngân hàng. Đây là cơ sở để nhiều nhà đầu tư tin rằng thị giá hiện tại vẫn chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng thực sự của ngân hàng.
Với lực đẩy từ cổ đông ngày càng đông đảo, kết quả kinh doanh khả quan và chiến lược phát triển rõ nét, SHB đang từng bước củng cố vị thế trong nhóm ngân hàng tư nhân hàng đầu, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng khu vực trong tương lai gần. Không ít cổ đông kỳ vọng mã có thể sớm lấy lại đỉnh cũ 16.710 đồng, thậm chí vươn tới mốc 30.000 đồng/cp trong trung - dài hạn để “phản ánh đúng tiềm lực”.