Kết phiên giao dịch ngày 6/7, VN-Index giảm 8,4 điểm và lùi về sát mốc 1.125. Lực bán diễn ra trên diện rộng; sắc đỏ áp đảo thị trường với 650 mã giảm và 254 mã tăng.

Cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect từ mức giảm nhẹ phiên sáng bất ngờ bị bán mạnh về mức cận sàn (18.050 đồng/cp) chỉ ít phút đầu phiên chiều. Khối lượng giao dịch đến cuối phiên đạt gần 106 triệu đơn vị - vượt qua kỷ lục cũ 72,1 triệu cổ phiếu ghi nhận trong phiên 19/5. Con số này tương đương 8,7% số cổ phiếu VND đang lưu hành trên thị trường.

Thậm chí, lượng cổ phiếu VND được giao dịch phiên 6/7 bằng tổng thanh khoản 4 mã xếp sau (gồm HPG, SHB, SSI và STB) cộng lại. Giá trị giao dịch cổ phiếu VND phiên này đạt gần 2.000 tỷ đồng - chiếm 10,7% giá trị giao dịch trên sàn HOSE.

Cổ phiếu VND giảm sâu vẫn ghi nhận 61.000 lệnh mua vào, nhà đầu tư nên làm gì lúc này?

Diễn biến giảm sàn cùng thanh khoản đột biến của VND được cho là đến từ thông tin một doanh nghiệp mảng năng lượng (có quan hệ hợp tác với VNDirect) thông báo dời ngày thanh toán lãi và gốc một lô trái phiếu trị giá 1.500 tỷ đồng từ 30/6 sang 4/8/2023.

Được biết đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 1 năm, hoàn tất phát hành ngày 30/6/2022; lãi suất phát hành là 11,5%/năm. Tổ chức lưu ký cho lô trái phiếu trên chính là Chứng khoán VNDirect.

Quay trở lại diễn biến giảm điểm của VND, nhìn lại lịch sử, phiên 6/7/2021 cổ phiếu này từng có diễn biến giảm mạnh tương tự. Sau đó mã xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật trước khi tiếp tục giảm giá.

Phiên 6/7, dù giá giảm mạnh và thanh khoản tăng cao (hơn 64% khối lượng giao dịch được bán ra chủ động) song cổ phiếu VNDirect không xuất hiện trạng thái dư bán sàn ồ ạt như nhóm cổ phiếu APEC những phiên gần đây. Một lực mua đáng kể xuất hiện cuối phiên giúp VND thoát giá sàn và trụ lại mốc 18.000 đồng/cp.

Cổ phiếu VND giảm sâu vẫn ghi nhận 61.000 lệnh mua vào, nhà đầu tư nên làm gì lúc này?
Diễn biến giá cổ phiếu VND

Quan sát diễn biến dòng tiền, hiện giao dịch của nhóm "cá mập" ở cổ phiếu VND đã bắt đầu suy yếu trong 7 phiên gần nhất; dòng tiền nhỏ lẻ quay trở lại mạnh mẽ với mức đóng góp khoảng hơn 20% tổng khối lượng khớp lệnh phiên 6/7.

Theo thống kê phiên này, nhà đầu tư tung vào hệ thống giao dịch 61.000 lệnh mua cổ phiếu VND - gấp 6 lần phiên trước đó; tổng khối lượng đặt mua là hơn 162 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, có 28.000 lệnh đặt bán với khối lượng hơn 209 triệu cổ phiếu đã được ghi nhận. Chênh lệch khối lượng đặt mua/bán ở mức hơn 47 triệu cổ phiếu (nghiêng về phe bán). Đây cũng là diễn biến quen thuộc ở cổ phiếu VNDirect trong nhịp đi ngang quanh mức 19.000 đồng 1 tháng gần đây.

Thông thường, 1 cổ phiếu vào xu hướng giảm sẽ cần 2 - 3 tuần để tìm trạng thái cân bằng, tích lũy trước khi tăng trở lại.

Do đó, nhà đầu tư đang muốn mua lại VND được khuyến nghị chờ đến khi cổ phiếu cân bằng trở lại, có dòng tiền mua lớn xuất hiện để giải ngân nhằm tránh nguy cơ mua hớ, cổ phiếu tiếp tục giảm gây thiệt hại cho danh mục đầu tư.