Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình với việc bỏ án tử hình ở 5/8 tội danh, tuy nhiên cho rằng nên giữ lại mức án cao nhất đối với ba tội danh: tham ô, nhận hối lộ và vận chuyển trái phép chất ma túy.

Lý giải quan điểm, ông Hòa nhấn mạnh yếu tố răn đe và phòng ngừa. Ông cho biết, thực tế từ trước đến nay, chưa có trường hợp nào bị tử hình về tội tham ô, tham nhũng, tuy nhiên gần đây đã xuất hiện tiền lệ - cụ thể là vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB liên quan bà Trương Mỹ Lan, trong đó Viện Kiểm sát đã đề nghị án tử hình.

Đại biểu Quốc hội: Thu hồi tài sản vụ Trương Mỹ Lan có thể xây 50% đường sắt tốc độ cao Bắc Nam
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Media Quốc hội

Đáng chú ý, theo ông Hòa, việc đề nghị án tử hình tạo ra áp lực rất lớn buộc các bị cáo phải chủ động khắc phục hậu quả.

Trường hợp của bà Trương Mỹ Lan cho thấy, khi đối mặt với án tử hình, gia đình bị cáo đã tự nguyện nộp lại tài sản để mong được giảm án. Hành động này có thể giúp hình phạt được giảm xuống mức tù chung thân, 20 năm hoặc 15 năm, tùy vào mức độ hợp tác và bồi thường thiệt hại.

“Ví dụ trong vụ án Trương Mỹ Lan và SCB, thiệt hại lên đến cả triệu tỷ đồng. Nếu thu hồi được số tài sản khổng lồ từ vụ án này, chúng ta đã có thể xây dựng 50% tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam", ông Hòa phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn TP.HCM) cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông lấy dẫn chứng vụ SCB để khẳng định rằng tội tham ô hiện nay không chỉ xảy ra trong khu vực Nhà nước, mà còn lan sang khu vực tư nhân với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Về tội nhận hối lộ, ông Sang tiếp tục bảo lưu quan điểm cần giữ mức án tử hình, vì hình phạt này tạo tác động mạnh mẽ đến ý thức và hành vi của người phạm tội, đồng thời thúc đẩy quá trình thu hồi tài sản, bảo vệ uy tín của bộ máy nhà nước.

Trước đó, bản án sơ thẩm của TAND TP. HCM tuyên phạt Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Sau bản án, bà Lan đã nỗ lực khắc phục hậu quả bằng cách đưa vào hơn 600 mã tài sản đã được định giá, 440 mã tài sản chưa định giá và 658 mã tài sản đứng tên gia đình. Dựa vào đó, Hội đồng xét xử đã chấp nhận giảm nhẹ hình phạt đối với tội danh “Vi phạm quy định về cho vay…”.

Tuy nhiên, với hai tội danh “Tham ô tài sản” và “Đưa hối lộ”, Hội đồng xét xử nhận định vụ án có quy mô đặc biệt lớn, bị cáo phạm nhiều tội với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trong khi các tài sản được đưa ra để khắc phục vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý xác định giá trị, dẫn đến không đủ căn cứ để giảm nhẹ án tử hình.

Dù vậy, Hội đồng cũng lưu ý rằng, theo quy định hiện hành, người bị kết án tử hình, nếu trong giai đoạn thi hành án tiếp tục khắc phục được 3/4 hậu quả vụ án, thì vẫn có cơ hội được xem xét chuyển từ tử hình xuống chung thân.