Ngày 22/5/2025, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tiếp nhận đơn kiện từ Hiệp hội Thương mại Công bằng với Gỗ dán cứng Hoa Kỳ, đề nghị mở điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm gỗ dán cứng và gỗ dán trang trí nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia. Đây là một trong số ít vụ việc mà cả ba quốc gia cùng lúc bị cáo buộc ở cả hai hành vi vi phạm thương mại.
Theo đơn kiện, các sản phẩm liên quan chủ yếu thuộc nhóm mã HS 4412 và 9403. Nguyên đơn cho rằng doanh nghiệp của ba quốc gia đang bán phá giá ồ ạt vào thị trường Mỹ và được hưởng nhiều chính sách trợ cấp từ chính phủ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa.
Trong danh sách bị đề cập, phía nguyên đơn nêu tên hơn 130 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, bao gồm nhiều công ty có quy mô lớn và hiện diện đáng kể tại thị trường Hoa Kỳ như Tekcom, Khang Đạt, Triệu Thái Sơn, Thái Hoàng...
Dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) cho thấy, trong giai đoạn 2022–2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán từ Việt Nam sang Mỹ lần lượt đạt 401 triệu USD, 186 triệu USD và 244 triệu USD. Dù có sự giảm nhẹ theo từng năm, Việt Nam vẫn là quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai, chỉ đứng sau Indonesia trong nhóm ba nước bị điều tra.
![]() |
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp nhận hồ sơ đề nghị mở điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm gỗ dán cứng và gỗ dán trang trí nhập khẩu từ Việt Nam |
Đáng chú ý, biên độ phá giá bị cáo buộc với hàng Việt Nam dao động từ 112,33% đến 133,72%, thấp hơn Trung Quốc (474,2%) và Indonesia (202,8%).
Đối với điều tra chống trợ cấp, phía nguyên đơn cáo buộc các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được tới 26 chương trình hỗ trợ từ Chính phủ, từ đó gây thiệt hại đáng kể và đe dọa ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ.
Theo quy định điều tra của Hoa Kỳ, có 2 cơ quan tham gia trong một vụ việc điều tra CBPG và CTC bao gồm: DOC điều tra về hành vi bán phá giá và trợ cấp; ITC chịu trách nhiệm đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Chỉ khi cả hai cơ quan đều đưa ra kết luận khẳng định vi phạm, Mỹ mới có thể áp thuế CBPG và CTC. Đặc biệt, trong các vụ điều tra chống trợ cấp, chính phủ nước xuất khẩu cũng trở thành đối tượng điều tra, chứ không chỉ các doanh nghiệp.
Trước rủi ro bị điều tra chính thức, Cục Phòng vệ Thương mại (PVTM) đã lên tiếng cảnh báo và khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán cần: Theo dõi sát diễn biến vụ việc và các thông báo từ DOC; chủ động tìm hiểu quy trình điều tra CBPG và CTC của Mỹ; xây dựng chiến lược ứng phó, đồng thời đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chú ý hợp tác nghiêm túc và đúng thời hạn với cơ quan điều tra Hoa Kỳ, bởi bất kỳ sự chậm trễ hay thiếu minh bạch nào cũng có thể khiến doanh nghiệp bị áp mức thuế cao nhất theo cáo buộc.
Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục các vòng đàm phán thuế quan. Vừa qua, vòng đàm phán thứ 2 tại Washington D.C đã kết thúc. Trong ba ngày làm việc, đoàn đàm phán hai bên đã trao đổi thẳng thắn và thiện chí về các vấn đề thuế quan, thể chế, tiếp cận thị trường và các rào cản kỹ thuật, trên cơ sở hài hòa lợi ích và tôn trọng cam kết quốc tế.
Kết thúc phiên đàm phán, hai bên xác định đã đạt được tiến bộ đáng kể: nhiều nhóm vấn đề đã tiệm cận đồng thuận, trong khi các nội dung còn lại sẽ tiếp tục được thảo luận vào đầu tháng 6/2025.
Đặc biệt, vào cuối ngày làm việc thứ ba, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc trao đổi song phương với Đại sứ – Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer, nhằm thống nhất kết quả tạm thời và xác định trọng tâm cho vòng đàm phán sắp tới.