Khách hàng mất niềm tin - đó là bức tranh rõ nét có thể nhin thấy về thị trường bảo hiểm thời gian vừa qua. Hàng loạt vụ bê bối, điển hình là vụ việc khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng SCB bị biến thành mua bảo hiểm Manulife, khiến thị trường bảo hiểm phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Tuy nhiên, thực tế lại khác, ở góc nhìn sáng, tại buổi gặp gỡ báo chí, ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 855.635 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước). Thị trường bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế trong thời gian này ước đạt khoảng 714.597 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 179.651 tỷ đồng (tăng 4,09% so với cùng kỳ năm trước); Tổng doanh thu phí bảo hiểm 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 93.178 tỷ đồng (giảm 1,46% so với cùng kỳ năm trước).

Đáng chú ý, tổng chi trả quyền lợi bảo hiểm trong 5 tháng ước đạt 31,171 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Gia Anh, năm 2023 được xem là một năm khó khăn của nền kinh tế nói chung và ngành bảo hiểm nói riêng trước những biến động của thị trường tài chính trong và ngoài nước, vì vậy nên kết quả trên vẫn cho thấy những kết quả tương đối khả quan của thị trường bảo hiểm, cho thấy những nỗ lực của toàn ngành.

Theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 5/1/2023.

Theo đó doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 15%/năm. Đến năm 2025, quy mô đạt 3% - 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3% - 3,5% GDP; đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Gia Anh nhấn mạnh Chính phủ đã và đang tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm phát triển đa dạng các dòng sản phẩm mới, lấy khách hàng làm trọng tâm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nhiều hoạt động kinh tế và đời sống. Bên cạnh đó, ngành bảo hiểm cũng đẩy mạnh một số giải pháp đồng bộ góp phần ổn định an sinh xã hội.